Multimedia Đọc Báo in

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm

08:02, 12/12/2024

Thời gian qua, huyện Krông Pắc đã quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát huy vai trò trong liên kết sản xuất, kinh doanh để tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, đồng đều về tiêu chuẩn, chất lượng.

Nâng "chất" hợp tác xã

Huyện Krông Pắc hiện có 43 HTX nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, phát triển các ngành nghề…

Tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmát – Hòa Đông (xã Hòa Đông) đã liên kết 99 hộ làm cà phê, tổng diện tích liên kết 144 ha. Từ khi được thành lập (năm 2014), các hộ dân cùng thực hiện một quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao theo chứng nhận FLO cho toàn bộ diện tích liên kết.

Xây dựng hình ảnh thu hoạch cà phê của đồng bào Êđê để quảng bá thương hiệu cho sản phẩm cà phê của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmát – Hòa Đông.

Bà H’Oanh Niê Kdăm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmát – Hòa Đông cho biết, HTX đã xây dựng một số mô hình sản xuất cà phê bền vững như: cà phê có chứng nhận FLO, 4C, RA, Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, OCOP… để các thành viên HTX biết cách canh tác, áp dụng quy trình sản xuất. Đến nay các hộ liên kết đã áp dụng một cách nhuần nhuyễn từ khâu chăm sóc, thu hái quả chín đến chế biến ướt. Nhờ đó, năng suất cà phê cũng tăng từ 2,5 tấn/ha lên 3,5 tấn/ha; bà con nông dân đã có ý thức hơn trong việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí cà phê bền vững có chứng nhận. Điều này đã tạo được vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao có chứng nhận quốc tế ngay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và HTX trở thành đối tác của Công ty TNHH Dakman Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.

Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch (xã Ea Yông) cũng đã liên kết các hộ để phát triển vùng trồng sầu riêng sạch với tổng diện tích 196 ha. Ngoài việc liên kết sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch, HTX còn thử nghiệm nhiều tiện ích công nghệ số vào sản xuất, giúp các hộ thành viên tiếp cận với nền nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, HTX cũng liên kết với các doanh nghiệp (DN) lữ hành để xây dựng các tour du lịch trải nghiệm.

Ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch cho hay, việc liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ số, sản xuất sạch không chỉ nâng giá trị sản phẩm mà còn tạo ra giá trị mới cho sản phẩm sầu riêng từ việc minh bạch hóa các khâu sản xuất, thân thiện với môi trường, thu hút được các tour du lịch canh nông cũng như phân khúc khách hàng ưa chuộng sản phẩm nông nghiệp xanh.

Cần tạo “sức hút” với doanh nghiệp

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc, để tạo được chuỗi giá trị sản phẩm bền vững thì các HTX phải tạo được “sức hút” với các DN. Do đó, huyện đã xây dựng một số dự án liên kết có hiệu quả như: dự án phát triển sầu riêng theo hướng bền vững; dự án chế biến cà phê ướt và một số dự án trồng trọt, chăn nuôi khác tại các xã Ea Yông, Ea Phê, Krông Búk, Ea Kuăng, Ea Kênh. Đặc biệt, một số HTX nông nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị mở rộng sản xuất, kinh doanh, từng bước đổi mới công tác quản lý, tham gia chuỗi giá trị hàng hóa với các DN để tìm thị trường ổn định cho sản phẩm… Tuy nhiên, trên thực tế, việc liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với DN thuộc các thành phần kinh tế khác còn ít và chưa thực sự bền vững. Phần lớn các HTX đều thiếu vốn, thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ và năng lực quản lý; nhiều HTX có số thành viên lớn và chủ yếu chỉ thực hiện các dịch vụ đầu vào, số lượng sản phẩm được liên kết sản xuất, tiêu thụ còn ít...

Vườn sầu riêng của HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch đã thu hút nhiều khách du lịch tìm đến.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Y Djoang Niê cho biết, bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX, huyện cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá “phi truyền thống” như liên kết các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin làm phong phú, đa dạng hóa công tác quảng bá nhằm tạo ra cách tiếp cận, giới thiệu mới. Qua đó, nhiều HTX đã chủ động sử dụng Internet và các dịch vụ trên Internet để cải hiện hiệu quả sản xuất kinh doanh...

Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động liên kết chuỗi giá trị, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn nội tại của các HTX, UBND tỉnh cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ ưu đãi đối với các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp liên kết với các HTX, tổ hợp tác, trang trại, từng bước gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 9/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pắc về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu: đến năm 2025, hỗ trợ thành lập 3 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm có chứng nhận, thương hiệu, xây dựng 1 mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc