Huyện M’Drắk: Cà phê được mùa, được giá
Những ngày này, nông dân huyện M’Drắk đang vào cao điểm mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025. Bà con rất phấn khởi vì năm nay cà phê vừa được mùa vừa được giá.
Mặc dù thời tiết những ngày cuối năm khá bất lợi, mưa rét kéo dài, song không khí thu hoạch ở các vườn rẫy cà phê vẫn rất sôi nổi, khẩn trương. Với thâm niên 15 năm trồng cà phê, anh Hồ Xuân Sơn (thôn 1, xã Ea H’Mlay) cho biết, 3 năm gần đây, giá cà phê đã tăng trở lại; đặc biệt, năm nay giá cà phê nhân cao kỷ lục, đỉnh điểm đạt trên 120.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng cà phê lãi lớn.
Bên cạnh đó, thời tiết trên địa bàn huyện năm nay khá thuận lợi (lượng mưa rải đều trong năm), giúp cà phê phát triển tốt và đạt năng suất cao. Anh Sơn nhẩm tính, hơn 7,5 ha cà phê kinh doanh gia đình nhận khoán từ Công ty TNHH MTV Cà phê 715B với năng suất nhân trung bình 13 tạ/ha, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi ha gia đình anh thu về trên 150 triệu đồng, cao gấp ba lần so với những năm trước.
Anh Hồ Xuân Sơn (thôn 1, xã Ea H’Mlay) thu hoạch cà phê. |
Tương tự anh Phạm Đình Thiên (thôn 1, xã Ea Riêng) không giấu được niềm vui vì đây là năm đầu tiên sau 20 năm anh gắn bó với cây cà phê, giá cà phê lại cao đỉnh điểm. Anh Thiên cho biết, năm nay, giá nhân công thu hái cà phê trên địa bàn dao động khoảng 250.000 đồng/người/ngày, cao hơn các năm trước. Và với 1 ha cà phê, gia đình anh cần khoảng 100 công thu hái để bảo đảm chất lượng cà phê tốt nhất. Để tránh tình trạng khan hiếm nhân công và giảm chi phí sản xuất, ngay từ đầu vụ, gia đình anh đã chủ động đi thu hái đổi công cho cho các thành viên trong đội sản xuất của Công ty TNHH MTV Cà phê 715A. Như vậy vừa luân phiên thu hoạch, nhà nào chín nhiều thì hái trước, vừa không sợ thiếu nhân công thu hái cà phê. Với 1 ha cà phê tái canh đã cho kinh doanh, năm nay gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng.
Huyện M’Drắk là một trong những địa phương có diện tích cây cà phê lớn của tỉnh Đắk Lắk với gần 1.900 ha, trong đó có 1.767 ha trong thời kỳ kinh doanh, tập trung tại các xã: Ea H’Mlay (670 ha), Ea Riêng (600 ha), Ea M'Doal (460 ha), Ea Lai (348 ha), Cư M'ta (39 ha)…
Trước năm 2015, phần lớn diện tích cà phê trên địa bàn sử dụng giống Robusta (đã già cỗi, năng suất thấp, không ổn định). Bên cạnh đó, với đặc thù thời tiết tại địa phương thường mưa dầm và có sương muối thời điểm cà phê ra hoa (tháng 11 - 12 Âm lịch, tầm tháng 1 - 2 Dương lịch) nên tỷ lệ đậu quả thấp, sau khi đậu quả, thời tiết bước vào mùa khô, hệ thống thủy lợi trên địa bàn còn hạn chế, nếu không được chăm sóc tốt cây cà phê rất dễ bị suy kiệt, năng suất thấp. Nhằm nâng cao năng suất, góp phần ổn định diện tích cà phê, chính quyền địa phương đã khuyến khích nông dân tái canh, đưa giống cà phê mới phù hợp với đặc thù khí hậu của địa phương.
Người dân xã Ea Riêng chăm sóc phục hồi vườn cà phê sau thu hoạch. |
Từ năm 2015, nông dân trên địa bàn huyện đã tập trung tái canh với giống cà phê vối RT14, RT15 có đặc tính sinh trưởng khỏe; kháng rỉ sắt rất cao; quả to đều, đặc biệt, tầm chín muộn (chín tập trung từ tháng 1 - 2 Dương lịch) và hoa nở từ tháng 3 - 4, tránh được điều kiện thời tiết bất lợi vào cuối năm ở địa phương. Nhờ vậy, 3 năm trở lại đây, năng suất cà phê nhân trên địa bàn huyện M’Drắk luôn ổn định từ 10 - 14 tạ/ha, sản lượng bình quân đạt 1.760 - 2.464 tấn.
Năng suất cao, giá cà phê cũng tăng cao không chỉ giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn tạo điều kiện cho nông dân huyện M’Drắk tái đầu tư vào sản xuất và duy trì diện tích trồng cà phê ổn định sau khoảng thời gian dài diện tích cà phê giảm do giá cả bấp bênh.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc