Multimedia Đọc Báo in

Muôn kiểu vượt khó của doanh nghiệp

08:29, 02/01/2025

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có những biến động bất lợi, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, có nhiều DN vẫn nỗ lực vượt khó để ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, từng bước khẳng định thương hiệu của mình.

Tiết giảm tối đa chi phí

Năm 2024, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đã gặp nhiều khó khăn do giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao. Bên cạnh đó, khó khăn về tài chính, thị trường quốc tế bị thu hẹp tiếp tục là những cản trở trong hoạt động của DN.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê An Thái cho biết, năm 2024 giá nông sản đều tăng, biến động liên tục, đặc biệt là cà phê khiến DN, người kinh doanh, đơn vị xuất khẩu, mua bán thương mại khó khăn trong việc dự đoán, nắm bắt giá cả. Điều này khiến DN gặp trở ngại trong chủ động nguồn vốn lưu động cho quá trình ổn định sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã tìm cách để thích ứng tốt hơn, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE nhận Chứng nhận TOP 10 SIB Signature đồng thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc và Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh do doanh nghiệp cung cấp

Đơn cử như đối với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE, trong khi nhiều DN trên địa bàn tỉnh lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí phải giải thể thì năm 2023 - 2024, mức tăng trưởng của công ty này đều đạt trên 15% nhờ hoạch định những chính sách và đề ra giải pháp phù hợp. Chia sẻ về những bí quyết “vượt sóng”, ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE cho rằng, các DN vừa và nhỏ muốn tồn tại và duy trì đà phát triển, cần chú trọng đến tiết giảm chi phí tối đa, tập trung dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chế độ phúc lợi cho nhân sự để bảo đảm sức khỏe tài chính của DN.

 

"Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, để phát triển ổn định, doanh nghiệp rất cần sự quan tâm, chia sẻ của các cấp chính quyền về chính sách thuế, tài chính ngân hàng” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê An Thái Nguyễn Xuân Lợi.

 

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy đa dạng hóa kênh bán hàng cũng là cách giúp DN giảm phụ thuộc vào thị trường. Thay vì chỉ lựa chọn kênh bán B2B (bán hàng giữa DN với DN), cần đa dạng kênh bán qua B2C (bán lẻ trực tiếp tới khách hàng), E-commercer (thương mại điện tử). Việc này giúp DN đa dạng hóa dòng tiền thu về, tiếp cận nhanh hơn với thị trường và giảm bớt rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một kênh bán hàng. Ngoài ra, công ty còn đón đầu xu thế tiêu dùng xanh và các tiêu chuẩn bắt buộc tương lai gần của quốc tế như Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) để có thể tiếp cận thị trường xuất khẩu một cách chủ động. Hiện tại công ty đã xuất khẩu thành công container cà phê thành phẩm đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ và hướng đến thị trường EU trong đầu năm 2025. Đi tắt đón đầu xu thế sẽ là lợi thế mà các DN nhỏ và vừa nên tận dụng, khi mà thị trường thay đổi quá nhiều như hiện tại.

Khẳng định uy tín, thương hiệu

Bên cạnh các giải pháp nhằm thích nghi với biến động thị trường, thời gian qua, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã đạt được mức tăng trưởng tốt nhờ bảo đảm chất lượng sản phẩm, khẳng định được uy tín của DN và thương hiệu trên thị trường.

Ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Đăng Phong cho rằng, bức tranh kinh tế năm 2024 có nhiều gam màu, có gam màu sáng nhưng cũng có gam màu tối đi kèm với những khó khăn của DN. Để khẳng định thương hiệu, giữ đà tăng trưởng của DN trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động, Đăng Phong luôn chăm sóc và đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Thể hiện bằng việc thực hiện tốt chế độ bảo hành, đưa các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, bảo đảm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý... Đồng thời, đầu tư thiết bị, nghiên cứu, áp dụng công nghệ để tự sản xuất nguyên liệu đầu vào; nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Công ty còn bảo đảm chế độ và thu nhập ổn định cho 183 cán bộ, công nhân viên.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Đăng Phong bảo đảm chế độ và thu nhập ổn định cho 183 cán bộ, công nhân viên.

Hay như Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm, với mục tiêu để quả chuối Việt Nam có thể đạt chất lượng cao nhất cũng như xây dựng được niềm tin và thương hiệu đối với khách hàng, đơn vị đã bắt đầu bài bản từ khâu tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm đồng bộ để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường. Công ty đã đầu tư vật tư đầu vào và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đồng thời thuê chuyên gia hàng đầu thế giới tư vấn quy trình sản xuất. Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm cho hay, công ty hiện có trên 100 ha chuối được trồng bằng phương pháp cấy mô công nghệ cao, thiết kế theo ô bàn cờ tại huyện M’Drắk. Năm 2024, đơn vị đã xuất khẩu 10.000 tấn chuối vào thị trường Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc với giá cả ổn định hơn so với các năm trước. Để xuất khẩu bền vững, công ty đã bảo đảm chất lượng của sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, từ đó tạo uy tín, thương hiệu sản phẩm và có những khách hàng lớn, lâu dài.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm Lê Thị Mỹ Hạnh nhận Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2024. Ảnh do doanh nghiệp cung cấp

Uy tín và thương hiệu của Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Đăng Phong ngày càng  củng cố hơn khi mới đây, hai đơn vị này đã được trao Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2024.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc