Multimedia Đọc Báo in

Hiện đại hóa nông nghiệp từ chuyển đổi số và cải cách hành chính

08:15, 12/02/2025

Tích cực chuyển đổi số và thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quyết tâm đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, thích ứng với xu thế hiện đại hóa.

Động lực cho nông nghiệp phát triển

Nông nghiệp là một trong những ngành có lĩnh vực quản lý rộng, lượng dữ liệu lớn, nhiều đơn vị trực thuộc, do đó ngành nông nghiệp tỉnh luôn xác định CCHC là nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên nhằm đổi mới lề lối làm việc, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, thích ứng với xu thế hiện đại hóa. Trong 5 năm qua, Sở NN&PTNT luôn nằm trong top 3 đơn vị sở, ngành dẫn đầu về CCHC của tỉnh.

Người dân được hỗ trợ thực hiện các thủ tục về đất đai trên môi trường mạng.

Hiện nay, Sở NN&PTNT thực hiện 127 TTHC (97 TTHC cấp tỉnh, 19 TTHC cấp huyện, 11 TTHC cấp xã) và đã triển khai thực hiện trên Hệ thống dịch vụ công tỉnh và Dịch vụ công quốc gia đối với 13 lĩnh vực quản lý. Sở đã tổ chức rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết cho cá nhân, tổ chức. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mang lại lợi ích rất lớn cho người dân và doanh nghiệp (DN) về chi phí, thời gian và hiệu quả công việc.

Cùng với CCHC, ngành nông nghiệp của tỉnh đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số làm cơ sở để phát triển cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, hợp tác xã, nông dân, nhà đầu tư. Theo đó, đã có nhiều ứng dụng chuyên ngành để phục vụ cho công tác chuyên môn như: ứng dụng quản lý nhân sự, ứng dụng quản lý tài chính - kế toán, hệ thống webgis về cơ sở dữ liệu chăn nuôi; phần mềm cập nhật diễn biến tài nguyên rừng; phần mềm quản lý các cơ sở nuôi động vật hoang dã; hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến; hệ thống đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả trong công việc.

Việc xây dựng, kết nối, tích hợp dữ liệu, cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng, là công cụ giúp quản lý và xử lý thông tin liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương đã chú trọng xây dựng nền tảng dữ liệu số trong nhiều lĩnh vực như: triển khai các ứng dụng quản lý ngành hàng cà phê, quản lý ngành hàng thủy sản của tỉnh và một số phần mềm của cấp trên theo ngành dọc để bước đầu số hóa dữ liệu. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đã nâng cấp Trang thông tin điện tử Chương trình nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk với nhiều tính năng mới như: hỗ trợ người khuyết tật, tối ưu trải nghiệm trên máy tính và thiết bị di động, giao diện dễ sử dụng, khắc phục các lỗ hổng bảo mật, phục vụ việc tìm hiểu, tra cứu thông tin của người dân; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành. Ngoài ra, Sở còn hỗ trợ mở tài khoản và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản cho các tổ chức, cá nhân nhận quản lý bảo vệ rừng trong công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng; quản lý khách hàng sử dụng nước và hóa đơn điện tử, phần mềm hỗ trợ kê khai thuế... Đây là động lực quan trọng để quản lý nhà nước trên môi trường số, đưa nền nông nghiệp tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Tháo điểm nghẽn để tạo ra giá trị mới

Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, đã có nhiều DN trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ số trong các khâu như: quản trị nội bộ, marketing, bán hàng và thanh toán… mang lại hiệu quả tối ưu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Có thể kể đến như Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột) đã liên kết với người dân thực hiện mô hình cà chua trái cây Nova, sầu riêng ứng dụng nhật ký điện tử và các thiết bị thông minh; Hợp tác xã Ea Tân (huyện Krông Năng) áp dụng phương pháp quản lý vườn cây bằng công nghệ số, sử dụng nhật ký nông hộ điện tử, xây dựng bản đồ số nông nghiệp….

Mô hình trồng cà chua trái cây ứng dụng công nghệ cao, số hóa trong nông nghiệp tại Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột).

Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp ở địa phương còn gặp không ít rào cản và thách thức. Trong đó phải kể đến hạ tầng, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn chế, trang thiết bị đã cũ, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số hiện nay; hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, chưa có sự tương tác, kết nối liên thông dữ liệu giữa các nền tảng phần mềm quản lý với nhau; nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế; cơ sở pháp lý về chuyển đổi số vẫn còn mang tính chất chung chung, chưa có quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhiệm vụ chuyển đổi số…

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT, mặc dù đơn vị có nhiều năm dẫn đầu về chỉ số CCHC và chuyển đổi số nhưng công tác này vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các thể chế nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng chuyển đổi số được triển khai rộng rãi, bảo đảm tính liên thông và kết nối. Từ đó phát huy tiềm năng, thế mạnh, dư địa, đưa nông nghiệp của Đắk Lắk phát triển mạnh mẽ có hiệu quả và bền vững trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc