Huyện Krông Bông: Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Trên cơ sở các mô hình kinh tế tại địa phương, huyện Krông Bông đã tập trung xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập cho người dân.
Hình thành các chuỗi liên kết
Xã Hòa Sơn là địa phương có thế mạnh phát triển nghề chăn nuôi bò. Trước đây người dân chủ yếu nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên, đầu ra bấp bênh.
Nhằm giúp việc chăn nuôi của người dân được thuận lợi hơn, từ năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Tây Sơn (thôn Quảng Đông, xã Hòa Sơn) đã đứng ra cung ứng con giống và thu mua bò thịt cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã.
Hiện, HTX đang liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm cho hơn 30 hộ dân, với quy mô tổng đàn 600 con. Trung bình mỗi đợt (3 tháng), HTX cung ứng ra thị trường từ 150 - 200 con bò thịt.
![]() |
Người dân buôn Ja (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) liên kết với HTX Nông nghiệp dịch vụ Tây Sơn chăn nuôi và tiêu thụ bò thịt. |
Theo ông Lương Văn Cương, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Tây Sơn, khi tham gia liên kết với HTX, các hộ chăn nuôi sẽ được cung ứng nguồn con giống chuyên thịt chất lượng, hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi, tập huấn kỹ thuật nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt thâm canh vỗ béo để đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, HTX cũng cam kết thu mua với mức giá cao hơn thị trường từ 1.000 - 3.000 đồng/kg thịt hơi.
Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Hồ Quang Vũ cho biết, với mô hình liên kết chăn nuôi này, người dân đã có đầu ra và thu nhập ổn định nên yên tâm làm ăn và mở rộng quy mô. Hiện, mỗi hộ nuôi từ 3 - 10 con bò, sau khi trừ chi phí người nuôi thu lãi từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/con. Ngoài ra, người nuôi còn tận dụng nguồn chất thải để làm phân bón cho cây trồng, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Đầu tư sản xuất Hưng Thịnh (thôn 11, xã Khuê Ngọc Điền) cũng đang liên kết với 300 hộ dân, chủ yếu tại các xã Hòa Thành, Hòa Lễ, Hòa Phong, Yang Mao trồng cây thuốc lá với diện tích 650 ha. Khi tham gia liên kết sản xuất, ngay từ đầu vụ, người dân sẽ được công ty cho ứng cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ chi phí đầu tư xây lò sấy, hệ thống tưới nhỏ giọt, dầu tưới. Đồng thời, công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá tốt, ổn định.
Ông Đỗ Công Điền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư sản xuất Hưng Thịnh cho hay, nhờ người dân tuân thủ quy trình canh tác và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây thuốc lá đạt năng suất và chất lượng cao. Trung bình, mỗi héc-ta thuốc lá đạt năng suất từ 3 - 3,5 tấn. Với giá bán bình quân 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng thu lãi khoảng 150 triệu đồng/ha. Hoạt động liên kết này giúp công ty chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ, chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến nên tạo được uy tín và chỗ đứng trên thị trường.
Ngoài ra, còn có thể kể đến chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao giữa các hộ dân với HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thăng Bình; liên kết sản xuất cây sắn giữa nông dân với Nhà máy tinh bột sắn Đắk Lắk; liên kết sản xuất ngô giống giữa người dân với các công ty giống cây trồng; liên kết sản xuất và tiêu thụ dứa trên địa bàn huyện với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình); liên kết trồng ngô ngọt, đậu cove với hình thức đầu tư kỹ thuật, giống, vật tư, phân bón và tiêu thụ sản phẩm tại xã Khuê Ngọc Điền, xã Hòa Thành... cũng đã mang lại hiệu quả và bảo đảm lợi ích cho các chủ thể tham gia.
Hướng đến phát triển bền vững
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và bảo đảm đầu ra cho nông sản, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn, hỗ trợ chính quyền, người dân các xã xây dựng nên các chuỗi liên kết sản xuất dựa trên những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, sẵn có của từng địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 10 chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.
![]() |
Nông dân xã Hòa Thành liên kết sản xuất và tiêu thụ cây thuốc lá với Công ty TNHH MTV Đầu tư sản xuất Hưng Thịnh. |
Nhằm phát triển các chuỗi giá trị bền vững, huyện đã chú trọng đến công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về lợi ích của việc liên kết và tích cực tham gia; tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học giúp nông dân áp dụng tốt vào thực tế canh tác, chăn nuôi; hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX, người dân chuyển sang trồng các giống mới có năng suất, chất lượng cao và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp xanh, hữu cơ, sản phẩm OCOP… Đồng thời, xây dựng điểm trưng bày, tham gia các sự kiện kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử mở rộng giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp từ chuỗi của địa phương.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn; từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của người dân trong việc xây dựng các chuỗi liên kết để phát triển những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, giúp họ yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất để phát triển kinh tế.
Theo ông Võ Tấn Trực, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, xác định việc phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp không chỉ tăng khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường mà còn tạo động lực cho phát triển bền vững kinh tế địa phương. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư và mở rộng các chuỗi liên kết đã có gắn với định hướng thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ cao vào địa phương để phát triển hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất hiệu quả, bền vững, nhất là chuỗi trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản...
Năm 2025, huyện Krông Bông phấn đấu có chứng nhận truy xuất nguồn gốc đối với 100 ha vải tại các xã Hòa Sơn, Dang Kang, Hòa Thành và tạo mối liên kết bao tiêu sản phẩm; mở rộng quy mô trồng cây dâu tằm tại xã Cư Drăm, Yang Reh và thị trấn Krông Kmar để tiến đến ký kết hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp; phát triển liên kết theo chuỗi giá trị cho cây chuối tại xã Cư Drăm và xã Yang Mao. |
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc