Xúc tiến mạnh mẽ chiến lược xuất khẩu cà phê
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng quay trở lại sản xuất, kinh doanh. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa đầu năm cũng có nhiều khởi sắc, hứa hẹn những kết quả tốt đẹp. Đặc biệt, các DN đã chủ động triển khai chiến lược đổi mới, tối ưu quy trình để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Nền móng từ vùng nguyên liệu tốt
Năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) có doanh thu 9.354,8 tỷ đồng (đạt 135% so với kế hoạch và bằng 137% so với cùng kỳ năm trước đó), lợi nhuận thu về 103 tỷ đồng (đạt 117% kế hoạch và bằng 114% so với cùng kỳ năm 2023). Kim ngạch xuất khẩu được 350,14 triệu USD (đạt 138% kế hoạch và bằng 144% so với cùng kỳ), trong đó, khối lượng tiêu thụ các mặt hàng chủ yếu là cà phê: 104.510 tấn, tiêu: 13.656 tấn. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, DN đã xuất khẩu được 450 tấn cà phê và hơn 300 tấn tiêu.
Ông Thái Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Simexco Daklak cho biết, để có được những thành quả trên, Simexco Daklak đã sớm xây dựng được một chiến lược dài hơi, bài bản nhằm từng bước chinh phục, mở rộng và giữ vững được thị trường xuất khẩu cà phê của mình. Tính đến nay, Simexco Daklak đã xuất khẩu cà phê nhân xô đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Anh…
![]() |
Cán bộ, nhân viên của Simexco Daklak kiểm tra chất lượng cà phê nhân xuất khẩu. |
Những năm qua, Simexco Daklak không chỉ đầu tư sâu, mạnh vào công nghệ sản xuất, chế biến theo hướng hiện đại mà còn phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh từ nguồn nguyên liệu cà phê dồi dào sẵn có của vùng Tây Nguyên, để xây dựng chuỗi liên kết hơn 40.000 hộ nông dân với gần 50.000 ha cà phê theo hướng bền vững, ổn định, chất lượng cao. Theo đó, Simexco Daklak đã liên kết để trồng và chế biến cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao; thường xuyên hướng dẫn người trồng cà phê thay đổi tư duy canh tác, chế biến, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao.
Ông Thái Anh Tuấn khẳng định rằng, việc tham gia chuỗi liên kết đã giúp người trồng cà phê nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, bền vững, thân thiện môi trường, trong khi đó năng suất cây trồng cũng như đầu ra sản phẩm ổn định, giá thành cao, hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá. Còn doanh nghiệp tự tin hơn trong mở rộng thị trường do có sản phẩm chất lượng cao và truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các tiêu chí của thế giới...
Hiện nay, Simexco Daklak là một trong những DN tiêu biểu của thế giới tham gia sâu vào chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu và là đơn vị duy nhất đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho sản phẩm cà phê nhân, với vùng trồng canh tác bền vững, đa dạng sản phẩm, đặc biệt là cà phê đặc sản Fine Robusta, giúp xây dựng và phát triển giá trị của cà phê nhân Việt Nam.
Nỗ lực khẳng định vị thế cà phê Việt Nam
Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển An Thái (An Thái Group) chia sẻ: Thị trường cà phê thế giới thường chia làm nhiều phân khúc. Một số khách hàng đòi hỏi sản phẩm cà phê phải có truy xuất nguồn gốc hoặc đạt các tiêu chuẩn chất lượng cao từ quy trình sản xuất, chế biến; nhiều khách hàng lại quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm thông qua các tiêu chí họ đưa ra như: thành phần, hàm lượng caffeine, độ ẩm, các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nấm mốc…
![]() |
Khâu kiểm tra quy trình kỹ thuật rang cà phê ở An Thái Group. |
Ngành hàng cà phê trên thế giới thường ít biến động về tỷ lệ thuế nhập khẩu. Việt Nam cũng chưa phải là quốc gia bị áp các loại thuế trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, khó khăn của chúng ta hiện nay vẫn là hàng rào về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt vừa qua, Liên minh châu Âu quy định cà phê xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu về sản phẩm không gây phá rừng, chia sẻ thông tin vị trí địa lý cụ thể của vùng trồng cà phê… Cùng với đó, các tiêu chuẩn chất lượng cũng được nhiều quốc gia, khách hàng đòi hỏi ngày càng khắt khe, đưa ra nhiều tiêu chí hơn… Các DN quốc tế thường có cách thức đánh giá đặc biệt và đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí sản phẩm riêng. Nghĩa là họ tổ chức các đoàn sang đến tận nơi sản xuất, chế biến để khảo sát, phân tích, đánh giá thực tiễn nhiều ngày, sau đó mới lựa chọn nhà cung ứng sản phẩm. Họ ít quan tâm đến việc DN đó quảng cáo trên Internet như thế nào.
An Thái Group là DN chuyên xuất khẩu cà phê chế biến sâu với các dòng sản phẩm chủ lực như: cà phê hòa tan, cà phê hạt rang nguyên chất, cà phê sữa 3 trong 1, cà phê bột… Để đáp ứng yêu cầu thị trường, An Thái Group đã ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu từ các DN, hợp tác xã trong vùng có sản phẩm cà phê nhân đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu để chế biến. Cùng với đó, DN cũng không ngừng đổi mới, sáng tạo, đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để cho ra những sản phẩm chất lượng, đa dạng mặt hàng, mẫu mã, bao bì… đáp ứng nhu cầu khách hàng và từng phân khúc thị trường.
Theo ông Nguyễn Xuân Lợi, đối với thị trường và khách hàng quốc tế thì đòi hỏi phải triển khai các phương pháp marketing quốc tế; chiến lược cho sản phẩm chất lượng, bảo đảm các tiêu chí quốc tế thì mới có sức cạnh tranh. Thời điểm này An Thái Group tập trung chiến lược giữ chân bạn hàng cũ, mời gọi những đối tác lớn, đi vào chiều sâu, không mở rộng các khách hàng nhỏ.
Hiện nay, đơn hàng xuất khẩu của DN đã khép kín; lô 30 tấn hàng cà phê đầu tiên sau Tết Nguyên đán 2025 cũng vừa được xuất sang thị trường châu Âu. Sản phẩm cà phê của An Thái Group đã có mặt tại thị trường hơn 30 quốc gia với khoảng trên 50 DN là đối tác lớn; sản lượng xuất khẩu duy trì khoảng 6.000 - 8.000 tấn/năm.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc