Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp cơ khí đối mặt nhiều thách thức

08:17, 17/04/2025

Là ngành công nghiệp mũi nhọn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, tuy nhiên trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp sản xuất cơ khí trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Nhiều cái “thiếu”

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay ngành cơ khí Đắk Lắk đã đạt mức tăng trưởng trung bình hơn 10%/năm, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp (DN), cơ sở cơ khí, trong đó có những đơn vị được công nhận là DN khoa học công nghệ. Tuy nhiên, quy mô sản xuất chủ yếu là vừa và nhỏ, với 90% là cơ sở nhỏ và hộ gia đình.

Sản phẩm cơ khí của tỉnh tập trung vào phục vụ nông - lâm nghiệp, nhiều sản phẩm đã có thương hiệu trong và ngoài nước như: thiết bị chế biến cà phê, bơm nước.

Năm 2024, sản lượng của ngành cơ khí đạt đáng kể, cụ thể: toàn tỉnh đã sản xuất 18.000 thiết bị chế biến nông sản, 68.000 bơm nước, 390.000 tấn thép và 820.000 m2 tôn. Tuy sản phẩm đa dạng và cung cấp cho nhiều lĩnh vực nhưng ngành cơ khí Đắk Lắk đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển.

Một doanh nghiệp cơ khí trong Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Chi

Ông Lê Công Đà, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Gold Việt chia sẻ, là một trong những đơn vị sản xuất cùm và béc tưới phục vụ nông nghiệp, bản thân DN của ông cũng như các DN cơ khí khác trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt bởi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản có giá rẻ và chất lượng ổn định. DN lại thiếu nguồn lao động cơ khí lành nghề, nhất là trong các lĩnh vực như gia công chính xác, tự động hóa.

Hơn nữa hoạt động sản xuất cơ khí đòi hỏi vốn đầu tư cao cho máy móc, nhà xưởng, công nghệ, nhưng khả năng tiếp cận vốn của đơn vị còn hạn chế.

Thêm một thách thức nữa là hiện nay Việt Nam chưa có hệ sinh thái sản xuất linh kiện, nguyên liệu đầy đủ nên DN vẫn phải nhập khẩu nhiều từ nước ngoài nên chi phí sẽ “đội” lên. Chưa kể muốn xuất khẩu hàng hóa, DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế, trong khi hệ thống kiểm định trong nước vẫn còn hạn chế.

Theo Hội Cơ khí tỉnh Đắk Lắk, hiện nay các quy định pháp luật và chính sách hỗ trợ DN còn chồng chéo, thủ tục hành chính phức tạp gây khó khăn cho DN cơ khí nói riêng và cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh nói chung.

Thêm vào đó, vị trí địa lý của tỉnh xa các trung tâm công nghiệp lớn, thiếu cảng biển và đường sắt, làm tăng chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh; nguồn lực của DN cơ khí trên địa bàn còn hạn chế, thiếu vốn và công nghệ hiện đại; việc hợp tác và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của tỉnh còn yếu, sản phẩm chủ yếu phục vụ thị trường địa phương.

Trong khi đó, công tác đào tạo nhân lực của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu sự kết nối giữa trường học và DN... Những yếu tố đó đã cộng hưởng thành thách thức lớn cho DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí.

Để doanh nghiệp cơ khí “lột xác”

Hiện nay, nhu cầu thị trường cơ khí ngày càng tăng, cùng với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế, các DN cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước những cơ hội lớn, có ưu thế hơn khi xuất khẩu đến các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh.

Tuy nhiên, để “đón” được cơ hội này, các chuyên gia cho rằng, DN ngành cơ khí phải chuẩn hóa về sản phẩm, từ nguyên liệu đến các khâu sản xuất và giá thành cạnh tranh. Muốn làm được điều này, các DN phải liên kết mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, cần phải có “một cuộc cách mạng” cải cách về nguồn nhân lực; về hệ thống máy móc; học hỏi kinh nghiệm và đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại cho ngành cơ khí.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong là một trong những doanh nghiệp cơ khí đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
 

“Sở Công Thương đã đề xuất, kiến nghị với tỉnh, các bộ, ngành Trung ương ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phát triển ngành cơ khí, phát triển các sản phẩm công nghiệp trọng điểm đồng bộ và phù hợp với thực tiễn; cải cách thủ tục hành chính tinh gọn để thực hiện các chính sách hỗ trợ DN đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất; có chính sách ưu đãi ngành cơ khí…”. 

 
Giám đốc Sở Công Thương Lưu Văn Khôi

Ông Nguyễn Đăng Phong, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong khẳng định, ngành cơ khí chế tạo là ngành xương sống của đất nước, tạo điều kiện để phát triển rất nhiều ngành kinh tế khác. Trên thực tế, ngành cơ khí luôn luôn có “cầu”, chỉ cần DN đồng hành với người dân và sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với thực tế nhu cầu của người dân. Quan trọng hơn là DN phải thấy được cơ hội, phải có đam mê, quyết tâm.

Để phát triển ngành cơ khí, Giám đốc Sở Công Thương Lưu Văn Khôi cho rằng, điều đầu tiên tỉnh cần làm là cải thiện chính sách, đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực DN và chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, cần nâng cấp hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi về giao thương, kết nối các vùng miền và giảm khoảng cách địa lý của tỉnh đối với cảng biển và các trung tâm công nghiệp lớn. Nhà nước cũng cần có cơ chế về lãi suất tín dụng để đầu tư và thời hạn vay vốn lưu động cho các nhà sản xuất thiết bị cơ khí. Đồng thời thu hút các công ty, tập đoàn chế tạo lớn trong và ngoài nước có tiềm lực và thương hiệu với các ưu đãi có sức hấp dẫn nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Về phía các DN, bên cạnh sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và hỗ trợ thuế của cơ quan nhà nước, hầu hết các đơn vị đều mong muốn trong thời gian tới tỉnh sẽ có nhiều hơn những chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giữa DN và người tiêu dùng; phát triển hệ thống hạ tầng khu công nghiệp phục vụ ngành cơ khí và tạo điều kiện để DN mở rộng sản xuất.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.