Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Tạo sức bật trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

08:24, 08/04/2025

Không chỉ định hướng, đồng hành, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả, huyện Ea Kar còn hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển các nông sản chủ lực, tạo sức bật trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Khi chủ trương kịp thời, phù hợp

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện Ea Kar đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn hỗ trợ, định hướng nhằm từng bước xác định giống cây trồng hiệu quả kinh tế cao giúp nông dân chuyển đổi phù hợp, bền vững.

Gia đình ông Phạm Đình Huệ (ở xã Ea Tih) có 2 ha đất trồng mía nhiều năm nay, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, được chính quyền địa phương tuyên truyền về chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mời tham gia lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình ông quyết định phá bỏ mía chuyển sang trồng nhãn Hương Chi.

Nhận thấy cây nhãn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trong vùng nên gia đình ông đã trồng tổng số 1.000 cây nhãn. Với định hướng làm cây giống để cung cấp cho thị trường, gia đình ông Huệ đầu tư bài bản, sử dụng các loại phân vi sinh, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã số vùng trồng từ năm 2022. Canh tác theo hướng bền vững nên cây giống của gia đình ông được thị trường ưa chuộng, trung bình cung cấp 2 vạn cây giống/năm.

Với giá bán từ 30.000 - 35.000 đồng/cây giống, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Ông Huệ cho hay, hiện nay giống nhãn Hương Chi của gia đình ông đã cung cấp cho nông dân các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, lợi nhuận cao gấp 6 - 7 lần trồng mía.

Chuyển đổi sang trồng và cung cấp cây giống giúp gia đình ông Phạm Đình Huệ (xã Ea Tih, huyện Ea Kar) có nguồn thu nhập cao và ổn định.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xã Ea Tih đã tích cực lồng ghép tuyên truyền chủ trương, định hướng của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích nông dân phá bỏ diện tích trồng mía, điều, cà phê kém hiệu quả sang trồng nhãn, vải để hình thành vùng sản xuất chuyên canh.

Bên cạnh đó, nhiều nông hộ đã chủ động tìm hiểu, đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó nổi bật là Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân đã hướng dẫn nông dân trồng nhãn Hương Chi theo quy trình VietGAP, phát triển sản phẩm OCOP, thực hiện việc thu mua, chế biến, bảo quản các loại trái cây. Nhờ vậy, đến nay xã Ea Tih đã phát triển được trên 650 ha cây nhãn, vải, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Gia tăng giá trị ngành nông nghiệp

Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Ea Kar đã ban hành Đề án “Xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025”, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất…

Đây là những “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Chuyển đổi sang trồng cây ăn quả giúp nông dân xã Ea Sar (huyện Ea Kar) nâng cao hiệu quả kinh tế.

UBND huyện Ea Kar đã tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm về xây dựng liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị và xây dựng cánh đồng lớn; phân tích các chỉ tiêu nông hóa, thổ nhưỡng, độ phì của đất để khuyến cáo về các giải pháp canh tác, chế độ dinh dưỡng đối với cây lúa, nhãn, vải. Bên cạnh đó, huyện hướng dẫn, hỗ trợ lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm: cam xoàn Ea Kar, bưởi da xanh Ea Kar, nhãn Hương Chi Ea Kar, thịt heo rừng Ea Kar, vải thiều Ea Kar và gạo ST 25 Ea Kar; hỗ trợ các hợp tác xã và hộ kinh doanh lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng. Nhờ vậy, các sản phẩm gồm: thịt heo rừng thương phẩm, vải, sầu riêng, lúa, khoai lang đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được gắn mã số vùng trồng.

Bên cạnh đó, huyện Ea Kar cũng chú trọng hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP, tổ chức các hội thảo, hội nghị kết nối, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ cho các chủ thể sản phẩm tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn cho biết, với trên 5.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, xã Ea Sar đã phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là 642 ha cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 205 tỷ đồng, chiếm trên 64% cơ cấu kinh tế của xã.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Minh Chuyền, để tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới, huyện phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, thành lập các vùng sản xuất tập trung; khuyến khích liên kết giữa hộ sản xuất với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, đơn vị khoa học và công nghệ; hỗ trợ, hướng dẫn các hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Năm 2024, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) của huyện Ea Kar đạt trên 6.941 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2023; có 18 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc