Bán hàng qua mạng, hãy trung thực thực hiện nghĩa vụ thuế
Thời gian gần đây, nhiều TikToker, KOL, người bán hàng online liên tiếp bị khởi tố vì hành vi trốn thuế. Từ chỗ là những người có ảnh hưởng, được cộng đồng mạng tin tưởng, họ trở thành ví dụ điển hình cho sự chủ quan, thiếu hiểu biết hoặc cố tình phớt lờ pháp luật thuế.
Những vụ việc này đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng kinh doanh thương mại điện tử - lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Không ít người vẫn nghĩ rằng bán hàng qua mạng là “vô hình”, không ai kiểm soát, nên việc kê khai hay nộp thuế là không cần thiết. Nhưng thực tế, mọi giao dịch - dù qua tài khoản cá nhân - đều để lại dấu vết.
![]() |
Ảnh chụp màn hình các ứng dụng của sàn thương mại điện tử. Ảnh: Viễn Thông |
Trường hợp điển hình là bà Nguyễn Thị Thu Hường, chủ tài khoản Facebook “Hycloset” chuyên bán hàng hiệu online, bị phát hiện có doanh thu lên đến hơn 834 tỷ đồng nhưng không kê khai, không nộp thuế. Hành vi này dẫn đến việc bà bị điều tra vì trốn thuế hơn 12,5 tỷ đồng. Dù hiểu rõ quy định, bà Hường vẫn cố tình vi phạm khi nhận thanh toán qua tài khoản cá nhân và tổ chức livestream tại nhà riêng để che giấu hoạt động kinh doanh.
Không riêng bà Hường, hàng loạt cá nhân và doanh nghiệp khác cũng bị xử lý vì trốn thuế khi bán hàng online. Có người bán hàng qua TikTok, có người kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada. Dù doanh thu rất lớn - thậm chí lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng - nhưng họ không xuất hóa đơn, không đăng ký kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ thuế.
Các thủ đoạn mà họ dùng để trốn thuế ngày càng tinh vi: sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng để chia nhỏ doanh thu, đứng tên người thân hoặc nhân viên để nhận tiền, khai báo thu nhập thấp hơn thực tế. Có người còn dùng mô hình hộ kinh doanh để né tránh kiểm tra tài chính. Nhưng dù có che giấu khéo đến đâu, chỉ cần dòng tiền có dấu hiệu bất thường, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể phát hiện và xử lý nghiêm.
Không ít người ngộ nhận rằng việc bán hàng online là “làm thêm”, “tự phát” nên không cần kê khai. Nhưng đã phát sinh thu nhập thường xuyên từ bán hàng thì rõ ràng đó là hoạt động kinh doanh. Và đã kinh doanh thì phải chấp hành pháp luật thuế như bất kỳ ngành nghề nào khác.
Trong nền kinh tế số, việc cơ quan chức năng sử dụng dữ liệu để quản lý thuế ngày càng hiệu quả. Các giao dịch chuyển khoản, thông tin từ sàn thương mại điện tử, đơn vị vận chuyển, thậm chí cả các hóa đơn đầu vào, lượt xem livestream… đều có thể trở thành căn cứ xác định doanh thu thực tế. Một khi đã rơi vào “tầm ngắm”, việc trốn tránh là gần như không thể. Hậu quả của việc trốn thuế không chỉ là bị truy thu hay xử phạt hành chính. Nặng hơn, người vi phạm có thể bị khởi tố hình sự. Khi đó, không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín, sự nghiệp cá nhân và tổ chức. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng mở rộng điều tra, tất cả các tài khoản liên quan - kể cả của người thân - đều có thể bị kiểm tra, đối chiếu để xác minh dòng tiền.
Vì vậy, lời khuyên dành cho những người đang kinh doanh trên nền tảng số là: hãy trung thực, minh bạch và chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế. Đừng vì lợi ích ngắn hạn mà đánh đổi bằng rủi ro pháp lý lâu dài. Khi làm ăn đàng hoàng, không chỉ bảo vệ chính mình mà còn tạo dựng uy tín, nền tảng bền vững để phát triển lâu dài.
Thương mại điện tử là xu hướng không thể đảo ngược. Nhưng đi cùng với sự phát triển đó là yêu cầu cao hơn về trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm về thuế. Đừng để những buổi livestream triệu view, những đơn hàng chốt liên tục lại kết thúc bằng quyết định khởi tố.
Lê Hảo
Ý kiến bạn đọc