Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Quảng Hiệp liên kết trong sản xuất nông nghiệp

08:33, 14/04/2022

Những năm qua, nông dân xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) đã chú trọng phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo hướng sạch, bền vững. Việc liên kết này không chỉ giúp nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm mà còn góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân.

Hiện nay, trên địa bàn xã Quảng Hiệp có khá nhiều mô hình liên kết trong  sản xuất, kinh doanh, chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp, với các hình thức liên kết giữa các nhóm hộ với nhau, nông dân với doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Các ngành, nghề và lĩnh vực liên kết rất đa dạng, phong phú như: Nuôi thỏ, dúi; buôn bán kinh doanh cây giống, trái cây; sản xuất nông nghiệp sạch… Đặc biệt, một số hộ dân đã chủ động liên kết ngay từ khi mới triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Qua hoạt động liên kết sản xuất, nông dân, tổ hợp tác, HTX đã hỗ trợ nhau về vốn, khoa học kỹ thuật kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất, kinh doanh. Nhìn chung, sau khi tham gia liên kết, giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất và thu nhập của người nông dân ở xã Quảng Hiệp đã được nâng lên đáng kể, doanh thu nhiều hộ đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

Ông Triệu Văn Phúc chăm sóc đàn thỏ.

Ông Đặng Ngọc Thao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hiệp cho biết, để hỗ trợ người dân, Hội Nông dân xã thường xuyên kết nối với các doanh nghiệp, HTX xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm, hoặc đạt mức giá thành có lợi cho nông dân. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho các hội viên, nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ mua vật tư nông nghiệp, các loại giống mới... để đảm bảo các sản phẩm sản xuất ra đạt năng suất cao. Hiện nay, có những mô hình liên kết sản xuất phát triển rất tốt và hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho các hộ dân liên kết...

Cuối năm 2021, Hội Nông dân xã Quảng Hiệp phối hợp với HTX Nông nghiệp và dịch vụ hồ tiêu Đồng Tâm triển khai liên kết nuôi thỏ thương phẩm với các nông hộ ở địa phương. Tham gia vào tổ liên kết, người dân được HTX cung ứng vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi thỏ; đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá 63.000 đồng/kg. Sau một thời gian triển khai, đã có 10 hộ dân trên địa bàn xã tham gia mô hình liên kết và đến nay một số hộ đã có sản phẩm xuất bán cho HTX.

Ông Triệu Văn Phúc, một hộ dân liên kết nuôi thỏ chia sẻ: “Tôi được công ty cung cấp con giống, hướng dẫn về kỹ thuật và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Gia đình tôi nuôi 17 con thỏ; sau 4 tháng nuôi, bình quân mỗi con đạt trọng lượng 3 kg, bán với giá theo ký kết thì cũng được hơn 190.000 đồng/con, hiệu quả cao hơn so với nuôi gà, nuôi heo”.

Anh Đinh Xuân Dũng (bên trái) giới thiệu về mô hình nuôi dúi với cán bộ Hội Nông dân xã.

Anh Đinh Xuân Dũng (thôn Hiệp Đoàn) thì tự tìm hiểu và liên kết với một doanh nghiệp ngoài tỉnh để phát triểnmô hình nuôi dúi thương phẩm và cũng đã thu được những kết quả tích cực từ hình thức sản xuất này.

Hiện nay, gia đình anh Dũng đang duy trì gần 100 con dúi lớn nhỏ trong chuồng. Mỗi năm dúi cái đẻ từ 4 lứa, mỗi lứa từ 2 - 4 con. Dúi con nuôi khoảng 6 - 7 tháng là có thể bán làm con giống, còn dúi thương phẩm thì nuôi từ 8 - 9 tháng là đạt trọng lượng từ 1 - 1,2 kg.

Sản phẩm dúi của gia đình anh được đơn vị liên kết bao tiêu với giá bán theo hợp đồng kinh tế và có tính ổn định cao (với giá 555.000 đồng/kg, con giống dao động từ 1,4 – 2,2 triệu đồng/cặp), sau khi trừ hết các chi phí đầu tư, công chăm sóc, mỗi năm gia đình anh Dũng đạt lợi nhuận khá cao. Anh Dũng cho hay:“Năm vừa rồi, gia đình xuất bán khoảng 70 cặp dúi giống, trong đó riêng đơn vị liên kết là 40 cặp, mỗi cặp bình quân từ 1,6 – 2,2 triệu đồng, trừ chi phí thì lãi khoảng 125 triệu đồng”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.