Multimedia Đọc Báo in

Những mô hình làm kinh tế hiệu quả ở Buôn Đôn

08:12, 09/08/2022

Nhanh nhạy nắm bắt, nghiên cứu nhu cầu thị trường, nhiều hộ dân huyện Buôn Đôn mạnh dạn áp dụng, triển khai những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp điều kiện gia đình, cho thu nhập ổn định.

Gia đình chị Nguyễn Thị Cao Thi (buôn Tul B, xã Ea Wer) có 4 sào ngô song hiệu quả kinh tế thấp, lại không chủ động được nguồn nước tưới do thời tiết thường khô hạn. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, tháng 9/2021 chị quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng ớt chỉ thiên bởi thấy thực tế thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, trong khi chi phí đầu tư không cao, kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp. Xác định đây là cây trồng chủ lực, lâu dài, chị còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt với tổng chi phí trên 12 triệu đồng.

Theo chị thì hệ thống này có nhiều tiện ích, vừa kết hợp tưới nước, bón phân, giúp giữ độ ẩm, hỗ trợ cây sinh trưởng tốt, vừa tiết kiệm công chăm sóc. Trên diện tích 4 sào, thời gian từ khi gieo giống đến khi thu hoạch xong khoảng 3,5 tháng, chị có thể thu hoạch về 4 tấn ớt, với giá bán từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, cao điểm lên đến hơn 50.000 đồng/kg, mỗi vụ ớt chị “bỏ túi” trên dưới 100 triệu đồng sau khi trừ tất cả chi phí, hiệu quả hơn trồng các loại cây khác rất nhiều.

Ông Đặng Văn Dẩu thu hoạch kén.

Còn ông Đặng Văn Dẩu ở thôn Sình Mây, xã Cuôr Knia thì thành công với mô hình trồng dâu nuôi tằm được ông áp dụng sau khi tham quan, tìm hiểu tại huyện Lắk. Tháng 3/2021 ông bắt đầu trồng thử nghiệm 4 sào dâu trên tổng diện tích 1 ha đất trồng trọt của gia đình với cách thức “vừa học vừa làm”, đúc rút kinh nghiệm. Sau 4 tháng, cây dâu nhanh chóng “bén duyên”, thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất mới, sinh trưởng tốt thì ông thả tằm. Mùa thu hoạch đầu tiên, ông thu xấp xỉ 50 kg kén, bán với giá 120.000 đồng/kg. Sản phẩm kén của gia đình ông được đơn vị cung cấp giống bao tiêu sản phẩm và còn được các cơ sở may mặc đặt hàng, thu mua, không phải lo về đầu ra. Nhận thấy mô hình trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao và ổn định, ông mạnh dạn chuyển đổi tiếp 6 sào đất còn lại sang trồng dâu, sau khi trừ mọi chi phí mỗi vụ ông có thu nhập 20 triệu đồng/tháng.

Ông Đỗ Phú Minh (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl) lại chọn nuôi giống thỏ trắng New Zealand làm hướng phát triển kinh tế. Đầu năm 2020, xem các phương tiện thông tin truyền thông giới thiệu giống thỏ trắng New Zealand được nhiều nông dân nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông quyết định chuyển hướng từ chăn nuôi gà sang nuôi giống thỏ trọng lượng lớn này. Từ chỉ hơn 10 con giống ban đầu, đến nay ông đã phát triển thành một trang trại quy mô rộng gần 400 m2, nuôi gần 500 con thỏ thịt và thỏ sinh sản. Với giá bán thỏ thịt từ 80.000 - 90.000 đồng/con khoảng 4 ký, chưa kể tiền bán con giống, ông Minh khẳng định “sống khỏe” với nghề nuôi thỏ. “Nuôi thỏ không tốn nhiều công sức, song đòi hỏi người nuôi hằng ngày phải theo dõi sát từ lúc thỏ mới sinh cho đến lúc trưởng thành, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo thông thoáng cũng như tiêm ngừa, phòng các loại bệnh cho thỏ theo đúng thời gian”, ông Đỗ Phú Minh cho biết. Được biết nuôi thỏ còn giúp ông tận dụng các phụ phẩm, chế phẩm, phân bón, thức ăn thừa làm phân vi sinh, bón cho cà phê, tiêu, cây ăn trái trong vườn sau khi đã xử lý bằng chế phẩm sinh học IMO…

Lãnh đạo tỉnh và huyện Buôn Đôn tham quan mô hình nuôi thỏ của ông Đỗ Phú Minh (bìa trái).

Những mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi trên đang được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Buôn Đôn quan tâm, đến tham quan, học hỏi để áp dụng làm theo, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, phù hợp định hướng Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện. Đó là sản xuất vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa thích ứng với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng vốn không được thiên nhiên quá ưu đãi như huyện biên giới này.

Thảo Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.