Multimedia Đọc Báo in

Những biện pháp cần thiết cho sản xuất lúa vụ đông xuân 2022 – 2023

08:15, 25/10/2022

Tại Đắk Lắk mỗi năm có hai vụ lúa chính: vụ hè thu và vụ đông xuân, với tổng diện tích hơn 100 nghìn ha.

Trong đó, diện tích lúa gieo trồng vụ hè thu rơi vào mùa mưa chiếm tỷ lệ khoảng 60% so với tổng diện tích lúa cả năm, còn lại là vụ đông xuân. Tuy diện tích ít hơn song năng suất lúa vụ đông xuân lại cao hơn vụ hè thu từ 10 - 15%, vì vậy cần quan tâm các biện pháp tác động để khai thác tiềm năng về năng suất cây lúa. 

Vụ đông xuân có điều kiện thuận lợi nhờ yếu tố nhiệt độ từ cường độ ánh sáng mang lại và các yếu tố liên quan tác động hiệu quả đến cây lúa. Thời kỳ này, biên độ nhiệt ngày, đêm cao (15 - 16oC), ban ngày cường độ của ánh sáng nhiều tạo điều kiện cho quá trình quang hợp của cây tốt hơn; ban đêm nhiệt độ lại thấp, hạn chế quá trình hô hấp vô hiệu, cây tổng hợp các hợp chất tốt hơn để tích lũy năng lượng, sinh trưởng và phát triển tốt. 

Về thời vụ, tại Đắk Lắk thường bố trí thời vụ xuống giống đông xuân từ trung tuần tháng 11 đến đầu tháng 1 năm sau (phụ thuộc vào lượng mưa và kế hoạch điều tiết nước của từng địa bàn). Theo đó cần phải cải tạo đất, cày ải, vùi dập tàn dư trên ruộng, hạn chế tối đa sinh vật có hại tồn đọng trên ruộng từ vụ hè thu sang vụ đông xuân.

Đối với những địa bàn thường thiếu nước vào cuối vụ đông xuân, người dân có thể tận dụng nguồn nước tích lũy từ đầu vụ để xuống giống sớm hơn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích lúa thường bị khô hạn trong những vụ đông xuân trước; hoặc sử dụng các giống lúa ngắn ngày, cực ngắn ngày để hạn chế thiếu nước vào cuối vụ. 

Địa phương cần phối hợp với các đơn vị quản lý thủy lợi chủ động giữ nước các công trình thủy lợi đến mức dự trữ cho phép từ đầu vụ để đảm bảo nguồn nước cung cấp đến cuối vụ lúa. Kiểm tra, tu bổ các công trình thủy lợi, xử lý sự cố hư hỏng, phát dọn, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Bà con sản xuất lúa cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra ruộng, vận động nhau gieo trồng theo kế hoạch, không kéo dài thời gian gieo trồng nhằm tiết kiệm nước.

Người dân phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch lúa để chuẩn bị làm đất cho vụ đông xuân.

Về giống lúa, những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông – giống cây trồng tỉnh và trạm khuyến nông các địa phương đã phối hợp các đơn vị chuyên môn triển khai thí điểm thành công nhiều giống lúa cho năng suất và chất lượng cao (TBR225, TBR45, TS24, TS25, N25, Đài thơm 8, Hương châu 6, Thơm RVT, lúa gạo lứt đen, lúa tím thảo dược…), nông dân đã nhân rộng hiệu quả. Ngoài ra, bà con nông dân nên quan tâm sử dụng các giống lúa xác nhận, nguyên chủng, ngắn ngày hoặc trung ngày có năng suất, chất lượng khá, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với địa bàn và đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng hiện nay.

Để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng khả năng kháng sâu bệnh hại thì việc cung cấp dinh dưỡng theo nhu cầu sinh lý của cây lúa từng giai đoạn hết sức quan trọng. Bà con cần quan tâm sử dụng bón lót phân hữu cơ vi sinh từ đầu để cải tạo đất; áp dụng chương trình quản lý cây trồng tổng hợp ICM (Integrated Crop Management), đặc biệt quan tâm đến biện pháp giữ cân bằng của hệ sinh thái ruộng lúa. Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học trên ruộng để bảo vệ sinh vật có lợi (thiên địch). Trong quá trình sản xuất, nếu phát hiện sâu, bệnh hại phát sinh với mật độ và tỷ lệ cao, người sản xuất phải thông báo kịp thời với cơ quan chuyên môn tại địa phương để được hướng dẫn biện pháp tác động kịp thời, hiệu quả.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.