Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập ổn định từ trồng nấm

08:36, 21/06/2023

 tổ dân phố 7, phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) hiện có 5 gia trại và gần 20 hộ trồng nấm. Các mô hình trồng nấm nơi đây đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã trở thành triệu phú.

Trồng nấm gần 20 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Tiền hiện có trang trại nấm quy mô 2.000 m2 đang sản xuất gối vụ các loại nấm sò, nấm mèo, nấm linh chi, mỗi năm thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện nay trang trại của chị đang đóng nguyên liệu vào bịch chuẩn bị cho lứa nấm mèo sắp tới.

Chị Tiền cho biết, nguyên liệu dùng để cấy phôi (còn gọi là meo) nấm mèo gồm mùn cưa, vôi và phân NPK với tỷ lệ theo quy định. Theo kinh nghiệm thành công trong nhiều năm qua, để đóng được 3.500 bịch nấm, ngoài mùn cưa là nguyên liệu chính, gia đình chị còn bổ sung vào 45 kg vôi, 10 kg NPK (16:16:8+ 17S) trộn đều bằng máy; sau đó hấp ở nhiệt độ 95 - 980C trong thời gian nhất định, ủ thêm 6 giờ, làm nguội rồi cấy meo vào. Sau khi cấy meo, ủ thêm 25 - 30 ngày, khi thấy tơ trắng xuất hiện đều ở bên trong tất cả bịch phôi cùng lứa thì đem ra treo lên cho nấm sinh trưởng. Thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình kỹ thuật nuôi trồng, đảm bảo vệ sinh môi trường, điều kiện thiết yếu để nấm phát triển tốt.

Nếu sản xuất nấm sò thì ngoài nguyên liệu như sản xuất nấm mèo, chị Tiền còn cộng thêm từ 100 - 150 kg cám bắp hoặc cám gạo trong lúc trộn nguyên liệu vào bịch để dùng cấy phôi. Hiện tại với 8.000 bịch nấm sò đang cho thu hoạch, mỗi ngày chị Tiền thu hái từ 200 – 250 kg nấm, tổng sản lượng nấm thu của 8.000 bịch dự kiến từ 3 - 3,5 tấn nấm tươi. Sản lượng nấm sản xuất hằng ngày được phân phối hết cho tiểu thương tại chợ đầu mối trong thành phố. Có lúc, mỗi ngày gia đình chị thu hoạch các loại nấm lên đến 6 tạ, với giá bán từ 16.000 – 25.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Ngoài ra, gia đình chị còn sản xuất gia công bịch nấm đã cấy phôi của các giống bán theo đơn đặt hàng của khách, để người trồng tự sản xuất nấm ăn tươi hoặc kinh doanh.

Chị Nguyễn Thị Tiền (bên phải) trao đổi với cán bộ Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột về kỹ thuật trồng nấm.

Gia đình ông Đàm Viết Thìn cũng là một trong những hộ đi đầu sản xuất nấm trong vùng. Hiện tại gia đình ông đang trồng 10.000 bịch nấm linh chi giống Hàn Quốc, hơn một tháng nữa sẽ thu hoạch. Đây là loại nấm dược liệu quý, có giá trị cao, với thành phần germanium, polysacharite… có tác dụng hỗ trợ sức khỏe tốt nên nhu cầu thị trường rất cao, đầu ra luôn ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Với kinh nghiệm sản xuất nấm được đúc kết thời gian qua, ông Thìn đã và đang chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng nấm lại cho nhiều hộ trong và ngoài địa phương cùng phát triển, kèm theo đó ông sản xuất bịch nấm đã cấy phôi hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu về sinh trưởng để cung cấp tạm ứng cho nhiều hộ khó khăn, khi thu hoạch xong mới lấy lại tiền giống, tạo điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình này hiệu quả.

Ông Phạm Duy Mấn, khuyến nông viên phường Tân Lập cho biết, nghề trồng nấm của bà con nơi đây hiện phát triển rất ổn định. Hằng năm Trạm Khuyến nông thành phố đều phối hợp với lãnh đạo địa phương tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân về kỹ thuật sản xuất nấm, kết hợp mời những người có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong sản xuất nấm đến chia sẻ, tương tác với người muốn phát triển nghề nấm. Đây là nghề sản xuất nông nghiệp dễ làm, không đòi hỏi nhiều đất sản xuất, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị, đem lại thu nhập cao.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.