Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả mô hình chuyển giao ứng dụng tưới tiết kiệm trên cây cà phê

08:56, 19/09/2023

Từ năm 2015 - 2022, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) đã được triển khai tại 10 huyện, thị xã, thành phố của Đắk Lắk với mục tiêu hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp để sản xuất và tái canh cà phê theo hướng bền vững, nâng cao sản lượng và chất lượng cà phê.

Một trong những hoạt động chuyển giao thành công của Dự án VnSAT Đắk Lắk là mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây cà phê.

Phương pháp tưới phun mưa tại gốc và tưới nhỏ giọt đã mang lại lợi ích rõ rệt khi so sánh với phương thức tưới truyền thống của nông dân trước đây. Theo tính toán, khi sử dụng phương pháp tưới dí gốc, lượng nước tưới cho cà phê phải mất từ 300 - 400 lít/cây/lần tưới, trong khi đó, với phương pháp tưới phun mưa tại gốc hoặc tưới nhỏ giọt, lượng nước chỉ cần khoảng 200 - 250 lít/cây/lần tưới là đã đáp ứng đủ nhu cầu nước của cây.

Hệ thống tưới tiết kiệm trên cây cà phê tại vườn của gia đình ông Trương Hoàng Trung (xã Quảng Hiệp, huyện Cư Mgar).
Hệ thống tưới tiết kiệm trên cây cà phê tại vườn của gia đình ông Trương Hoàng Trung (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar).

Theo công nghệ tưới phun mưa tại gốc của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), lưu lượng tưới phổ biến khoảng 50 - 60 lít/giờ/cây, nước được thấm đều trên cả diện tích vùng rễ và bồn cây. Còn với công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, nước được tưới thông qua các đầu nhỏ giọt thấm đều ở vùng rễ, các dây nhỏ giọt chạy dọc hai bên hàng cây với khoảng cách 40 cm sẽ tưới được 1,0 - 1,6 lít/giờ/đầu nhỏ giọt và nông dân có thể lắp đặt từ 4 - 8 đầu tùy nhu cầu nước của cây và điều kiện đất đai.

Theo tính toán tại các mô hình của Dự án VnSAT Đắk Lắk, nếu áp dụng tưới phun mưa tại gốc hoặc tưới nhỏ giọt, nông dân có thể tiết kiệm khoảng 20 - 25% lượng nước, 25 - 30% công lao động và 15 - 20% lượng phân bón (nếu kết hợp bón phân hòa tan chuyên dùng cho cây cà phê).

Điển hình như hộ ông Trương Hoàng Trung, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar), với mức đầu tư từ 60 - 70 triệu đồng/ha lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm (trong đó Dự án VnSAT hỗ trợ 50% vốn đầu tư), gia đình ông đã giảm chi phí công lao động rất nhiều. Nếu như trước đây vào mùa khô, gia đình ông Trung phải thuê công tưới rất khó khăn thì nay chỉ cần “điều khiển từ xa” mà vườn cây vẫn đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt. Nhất là vào thời điểm tưới cho cà phê nở hoa đồng loạt, nếu tưới dí theo truyền thống thì phải mất từ 55 - 60 giờ mới xong 1 ha, còn tưới phun mưa tại gốc thì mỗi ha chỉ mất 18 - 20 giờ, nghĩa là giảm được khoảng 30% công lao động, nhất là công tưới về ban đêm. Đặc biệt theo ông Trung, những năm gần đây do khan hiếm nguồn nước, hầu hết các gia đình có rẫy cà phê ở xã Quảng Hiệp đều phải đào thêm giếng rất sâu mới tạm đủ nước thì việc ứng dụng tưới tiết kiệm thực sự có ý nghĩa trong canh tác cà phê theo hướng bền vững, vừa đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong 5 tiêu chí canh tác cà phê bền vững mà WB đặt ra khi triển khai Dự án VnSAT là: 3 giảm (lượng nước tưới, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật) và 2 tăng (phân hữu cơ, cây che bóng) thì mục tiêu “giảm lượng nước tưới” là tiêu chí được WB đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, việc chuyển giao ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm trên cây cà phê đã góp phần tạo nên thành công của Dự án VnSAT Đắk Lắk, đặc biệt giúp nông dân hiểu được “nguồn nước không phải là vô tận” để nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tiết kiệm nhân công, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời tạo ra sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới.

Đào Đình Phượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.