Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk: Hạn hán "đe dọa" hàng trăm héc-ta lúa

07:00, 19/03/2024

Mặc dù mới chỉ bước vào đầu mùa khô, nhưng hiện tại hàng trăm héc-ta lúa trên địa bàn huyện Lắk đang bị thiếu nước nghiêm trọng.

Tất bật dẫn nước vào ruộng

Theo ghi nhận, hạn hán đang “đe dọa” đến nhiều cánh đồng của các xã như Đắk Liêng, Yang Tao, Bông Krang…, người dân phải chủ động đặt máy bơm tại nhánh sông, suối để “cứu” lúa. Tại các khu vực này, mực nước đang dần bị cạn kiệt, thậm chí một số kênh nhánh sông, suối trơ sỏi đá, chỉ còn nước bùn hoặc phèn.

Nhánh sông Đắk Liêng (huyện Lắk) phục vụ cho hàng chục héc-ta lúa của người dân thôn Hòa Bình bị cạn khô.

Hơn một tuần nay, chị H Luin Bkrông (buôn Cuôr Tar, xã Yang Tao) đã phải chực chờ từ 6 giờ sáng tới 23 giờ đêm để dẫn nước vào ruộng. Gia đình chị H Luin có 1 sào lúa sạ từ trước Tết Nguyên đán, nhưng chỉ có khoảng một tuần có nước trong ruộng. Do đó, hiện nay cây lúa mới chỉ lớn được khoảng 20 cm, bị vàng úa, còi cọc. Những ngày qua, chị phải túc trực từ sáng tới đêm để đào mương dẫn nước từ kênh N2 (Trạm bơm Buôn Cuôr) vào ruộng.

Chị H Luin than thở: “Nếu dẫn được nước vào ruộng, sau đó bón phân chăm sóc thì trên diện tích này gia đình tôi thu được khoảng 3 tạ lúa. Tuy nhiên, chỉ cần nửa tháng nữa không có mưa thì lúa sẽ bị chết trắng, năm nay gia đình tôi phải đối diện với nguy cơ thiếu đói vì không có lương thực”.

Mặc dù có hơn 3 sào lúa ngay cạnh kênh mương dẫn nước, nhưng thửa ruộng của gia đình chị H Nguyệt Uông (buôn Dieo, xã Bông Krang) đã bị nứt nẻ, khô hạn. Chua xót nhìn gần phân nửa thửa ruộng chết khô dần, chị nói: “Thửa ruộng của gia đình tôi ở phía cuối cánh đồng, mọi năm, mực nước tại kênh dẫn lớn có thể dễ lấy nước. Tuy nhiên, năm nay do hạn hán kéo dài, người dân ở đầu kênh dẫn lượng nước nhiều vào ruộng nên mức nước tại đoạn kênh cạnh ruộng nhà tôi hạ thấp, không thể dẫn vào ruộng. Tôi đã chờ hơn một tuần nay để dẫn nước vào ruộng, nếu tình trạng này kéo dài thì thửa ruộng của gia đình tôi sẽ bị chết, coi như làm không công”.

Lúa của gia đình chị H Luin Bkrông (buôn Cuôr Tar, xã Yang Tao) bị còi cọc, vàng úa sau thời gian dài không có nước.

Tương tự, thửa ruộng của gia đình chị H Mari Je (buôn Dieo, xã Bông Krang) nằm bên cạnh nhánh suối phía dưới nguồn thác Bìm Bịp nhưng cũng đã cạn khô, trơ sỏi. Chị cho hay, chưa năm nào việc thiếu nước diễn ra trầm trọng như năm nay. Người dân trồng cây lâu năm đã chặn nguồn nước từ thác Bìm Bịp để tưới cho cây trồng nên gia đình chị phải bỏ ra gần 1 triệu đồng để mua dầu bơm nguồn nước khan hiếm còn lại tại nhánh suối với hy vọng “cứu” 2 sào lúa đang bị còi cọc, vàng úa. 

Khẩn trương các giải pháp chống hạn

Vụ đông xuân năm nay, xã Bông Krang gieo trồng 252 ha lúa, hiện có 63 ha lúa nước bị khô hạn. Nguyên nhân là do mực nước sông suối, nước ngầm duy trì ở mức thấp; lượng dòng chảy nước mặt thiếu hụt khoảng 50 - 70% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm trước. Nhiều suối nhỏ trên địa bàn xã bị cạn kiệt, mực nước ngầm xuống thấp, một số hộ dân khoan giếng để khai thác nước tầng sâu làm cho lượng nước ở tầng nông giảm mạnh.

Ngoài ra, mực nước các hồ chứa đang có nguy cơ cạn kiệt, chỉ còn khoảng 20 - 30% dung tích thiết kế; nhiều đập dâng, trạm bơm không đảm bảo năng lực thiết kế do lượng dòng chảy giảm mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bông Krang Y Tuyên Du, dự kiến trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng, khả năng diện tích bị thiệt hại tiếp tục tăng. Trước thực trạng trên, địa phương đã chủ động nâng cao ngưỡng tràn để tăng dung tích trữ đối với các hồ chứa an toàn; triển khai nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương, đảm bảo dẫn nước hiệu quả; đắp đập tạm trên suối, trên các trục kênh tiêu để giữ nước; lắp đặt nhiều trạm bơm dã chiến khai thác nước suối và dung tích chết của hồ chứa...

Thửa ruộng của gia đình chị H Nguyệt Uông (buôn Dieo, xã Bông Krang) đã bị nứt nẻ do khô hạn.

Năm nay, xã Yang Tao có khoảng gần 460 ha cây trồng vụ đông xuân, trong đó lúa nước chiếm 435 ha. Hiện tại, có hơn 10 ha lúa đã bị chết, vàng úa; khoảng 100 ha đang giai đoạn phát triển và đón đòng đứng trước nguy cơ khô hạn.

Nguyên nhân là do các đập dâng trên địa bàn xã, bao gồm: Năng Pang, La Tăng Poh có mực nước đang ở mức rất thấp; lưu lượng nước trên đầu nguồn xuống thấp, dọc theo các tuyến suối, nhiều người dân đặt ống, máy bơm để tưới cây công nghiệp, cây trồng khác nên lượng nước chảy xuống từ thượng nguồn giảm, không đủ nước cho các công trình hạ du. Bên cạnh đó, tại trạm bơm Buôn Cuôr, nước trong hồ Lắk cũng đang xuống mức rất thấp; lòng kênh dẫn và bể hút bị bùn bồi lắng nhiều nên lưu lượng nước bơm không đạt so với thiết kế cũng như lưu lượng thực cần.

Để ứng phó với tình trạng này, ông Y Wu Sruk, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao cho biết, địa phương đã tăng thời gian vận hành trạm bơm Buôn Cuôr cả ngày lẫn đêm để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu của bà con. Đồng thời, đề nghị Chi nhánh thủy lợi huyện Lắk tiến hành nạo vét tuyến kênh dẫn, bể hút của trạm bơm Buôn Cuôr và tuyến kênh dẫn vào kênh chính của đập dâng La Tăng Poh nhằm tăng lượng nước.

Trước tình hình hạn hán xảy ra, UBND huyện Lắk đã triển khai phương án và tăng cường các biện pháp phòng, chống hạn vụ đông xuân đến các xã, thị trấn và các ban, ngành liên quan. Theo đó, các xã, thị trấn thực hiện tưới luân phiên, quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối, các công trình tưới, đặc biệt là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước đến cuối khu tưới.

Các chủ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi cần có phương án đào kênh dẫn dòng khi đang thi công công trình để đảm bảo cung cấp tưới theo lịch trình, thời vụ; thường xuyên kiểm tra, tu sửa cụm đầu mối, các tuyến kênh mương đang hoạt động, nhất là các công trình đã xuống cấp, hư hỏng để đảm bảo nguồn nước không bị rò rỉ, thất thoát.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, nghiêm cấm người dân không tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát, thiếu nước khu vực đoạn cuối kênh...

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.