Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh

18:01, 20/06/2024

Chiều 20/6, tại thành phố Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) vùng giáp ranh giữa các tỉnh. 

Tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND các tỉnh, các sở ngành địa phương, chủ rừng vùng giáp ranh.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk có chiều dài 418 km. Vùng rừng giáp ranh giữa các tỉnh là nơi lưu giữ hệ động, thực vật phong phú, có tính đa dạng sinh học cao, hệ thực vật và động vật rất phong phú, đa dạng, nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm.

Đặc biệt, tại đây có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng nằm ở huyện Kbang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai và các Khu Bảo tồn thiên nhiên: Kon Chư Răng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai); An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định); Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp phát biểu tại hội nghị.

Công tác QLBVR vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk đang gặp nhiều khó khăn do diện tích rộng, trải dài qua nhiều địa phương; địa hình phức tạp, hiểm trở; điều kiện về cơ sở vật chất, thông tin liên lạc phục vụ công tác QLBVR gặp nhiều hạn chế; đời sống của người dân sinh sống gần rừng khó khăn, phụ thuộc nhiều vào rừng; các đối tượng xấu lợi dụng địa hình phức tạp, xa xôi, đi lại khó khăn, sự thiếu hiểu biết về pháp luật và đời sống kinh tế khó khăn của người dân để thực hiện các hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật.

1
Ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô chia sẻ những khó khăn trong công tác bảo vệ rừng khu vực giáp ranh.

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị, trong thời gian qua, lực lượng chức năng các tỉnh đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình theo quy chế, kế hoạch phối hợp đã ký kết; công tác liên lạc, cung cấp thông tin được duy trì thực hiện; công tác phối hợp, kiểm tra, truy quét, xử lý các vụ việc xảy ra tại vùng giáp ranh được tổ chức thường xuyên, kịp thời góp phần giảm đáng kể các hành vi chặt phá rừng, khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản và phá rừng trái pháp luật tại vùng giáp ranh…

Từ năm 2016 đến nay, tại khu vực rừng giáp ranh, lực lượng chức năng của các tỉnh đã phối hợp tuần tra, phát hiện 565 vụ vi phạm lâm luật, trong đó: 37 vụ hình sự, 528 vụ hành chính, diện tích rừng bị phá 45.470 m2; lâm sản tịch thu 613,41 m3 gỗ các loại; tịch thu 202 phương tiện, công cụ các loại.

1
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, công tác phối hợp QLBVR vùng giáp ranh của các tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như: việc xác minh, phân loại các tổ chức, cá nhân có thủ đoạn phá hoại rừng, khai thác, săn bắt, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để cung cấp thông tin hai chiều cho nhau cùng phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý còn thiếu hiệu quả; việc phối hợp tổ chức kiểm tra, truy quét, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh của một số Hạt Kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền địa phương chưa cao; công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh chưa được thường xuyên, sâu rộng...

2
Lãnh đạo các tỉnh ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại vùng giáp ranh.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác phối hợp QLBVR giáp ranh trong thời gian tới, tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác QLBVR; xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại vùng giáp ranh. 

Trong đó, tập trung vào các nội dung chính, như: thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, truy quét để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm lâm luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân; thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ về công tác QLBVR, xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; hỗ trợ lực lượng, tăng cường phương tiện phục vụ công tác QLBVR, phòng cháy chữa cháy rừng khi có đề nghị phối hợp…

Vạn Tiếp

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.