Multimedia Đọc Báo in

Giữ “vàng” cho mai sau

Tài nguyên rừng suy giảm (kỳ 1)

08:20, 26/08/2021

Tài nguyên rừng suy giảm 

Rừng được ví như "vàng" và Đắk Lắk may mắn được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên quý giá ấy. Bao năm qua, rừng chở che buôn làng, tạo lợi thế cho phát triển  kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, nguồn "vàng xanh" đã dần suy giảm. “Giữ rừng bằng mọi giá” là mệnh lệnh để bảo vệ, phát huy nguồn lợi của báu vật này cho hôm nay và cả mai sau.

Trước đây, đất rộng, người thưa, rừng ít bị xâm phạm nên luôn bình yên, xanh tốt. Khi dân số tăng dần, rừng bị đe dọa vì người ta chặt phá, xâm lấn để phục vụ nhu cầu đời sống. Điều này cũng khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển ngành lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Hoài niệm rừng xưa

Trải qua hơn 60 mùa rẫy dưới chân đỉnh Chư Yang Sin, già Y Khiêm Liêng (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) thấu hiểu hơn ai hết những giá trị của đại ngàn. Ông nói rằng, vùng đất này trước đây tất cả đều là rừng, rừng bao quanh buôn làng, rừng giữ nước, cho đồng bào hạt lúa, búp măng. Bà con không ai phá rừng. Nhưng bây giờ, những điều này với ông chỉ còn là hoài niệm, bởi rừng mất đi nhiều, hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra. Ông tâm sự như một lời gửi gắm: “Rừng đã lùi xa buôn làng, chúng ta phải giữ rừng vì con cháu sau này”.

Hoài niệm của già Y Khiêm cũng là điều trăn trở, xót xa của nhiều người, bởi tài nguyên rừng Đắk Lắk đã suy giảm nhiều theo thời gian. Thời điểm năm 2008, tổng diện tích đất có rừng của tỉnh là 628.977 ha, độ che phủ đạt 47,2%, trong đó, rừng tự nhiên là 574.493 ha. Năm 2015, diện tích rừng còn 507.489 ha, độ che phủ 38,7%, trong đó, rừng tự nhiên 475.908 ha. Cuối năm 2020, diện tích rừng còn 508.564 ha, độ che phủ 38,7%, tuy diện tích và độ che phủ tương đương năm 2015, nhưng diện tích rừng tự nhiên chỉ còn 437.734 ha, giảm gần 38.174 ha so với 5 năm trước. Hiện, diện tích rừng giàu, trung bình tập trung chủ yếu trên lâm phần các vườn quốc gia, ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Toàn tỉnh có 104.006 ha rừng tự nhiên nghèo, kiệt, chiếm 23% tổng diện tích rừng tự nhiên; trong đó có khoảng 70% là rừng khộp nghèo kiệt, phân bố tại địa bàn các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea H’leo...

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Vạn Tiếp

Theo đánh giá của UBND tỉnh, chính nhu cầu trong quá trình phát triển và sự gia tăng dân số cơ học đã dẫn đến những áp lực lớn đối với rừng. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, do các lâm trường hình thành và trải qua nhiều giai đoạn với những chính sách khác nhau, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, nhiều hộ dân đã sử dụng đất trước khi thành lập lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, vườn quốc gia, nên công tác quản lý đất rừng gặp nhiều khó khăn. Tình hình vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, khai thác mua, bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại một số địa bàn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cho người được giao bảo vệ rừng chưa hấp dẫn, làm cho người lao động nghỉ việc hoặc tranh thủ làm thêm các ngành nghề khác nên đã ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.

Nhằm giải quyết vấn nạn dân di cư tự do gây áp lực lên công tác quản lý bảo vệ rừng và đất rừng, tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất Trung ương cho phép chuyển mục đích sử dụng hơn 8.957 ha đất lâm nghiệp không còn rừng để cấp cho các hộ dân thuộc đối tượng bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do (đất ở: 381 ha; đất sản xuất: 8.576 ha). Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ dân di cư tự do tại các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư nhằm hạn chế tình trạng di cư tự do và phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do.

Đất rừng – “bánh ngọt” bị xà xẻo

Về công tác quản lý đất rừng trên địa bàn tỉnh, qua hai đợt rà soát đất đai theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 16-6-2003 và Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị, các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, lâm trường, công ty lâm nghiệp đã cơ bản hoàn thành việc rà soát hồ sơ đất đai, xác định nguồn gốc sử dụng đất, tình trạng phân định ranh giới thực tế; bước đầu thiết lập hồ sơ đất đai theo đúng quy định; xác định cụ thể phần diện tích đất giữ lại và phần diện tích đất phải bàn giao về địa phương quản lý theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

Tuy nhiên, một vấn đề nan giải trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trong những năm qua là tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh diễn ra tràn lan. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 127.784 ha đất có nguồn gốc lâm nghiệp bị lấn chiếm. Trong đó, đất rừng của các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ: 10.067 ha; các công ty lâm nghiệp: 35.467 ha; doanh nghiệp thuê đất: 7.014 ha; hộ gia đình và cộng đồng: 27.434 ha; lực lượng vũ trang: 18.202 ha; UBND cấp xã quản lý: 28.617 ha; còn lại là của các tổ chức khác. Tình trạng lấn chiếm, mở rộng thêm diện tích canh tác xảy ra phổ biến, nhất là ở những khu vực người dân đang canh tác gần rừng. Một số vụ lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp gây ra xung đột, tranh chấp đất đai phức tạp, kéo dài, nhất là tại địa bàn các huyện Ea Súp, Cư M’gar và Ea H’leo.

Một diện tích rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar bị người dân chặt phá, lấn chiếm trái phép để trồng cây nông nghiệp. Ảnh: Vạn Tiếp

Tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn ra trong thời gian dài có nguyên nhân là việc giao đất, rừng trên thực địa không rõ ràng về ranh giới, người dân lợi dụng sự không rõ ràng này để lấn chiếm đất đai, phá rừng làm nương rẫy, nhiều hộ dân đã tự ý chuyển nhượng qua nhiều lần bằng giấy viết tay. Ngoài ra, lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng và chính quyền cấp cơ sở còn mỏng, trong khi diện tích quản lý lớn; một số nơi bất lực, buông lỏng quản lý, thậm chí làm ngơ, tiếp tay cho một số đối tượng lấn chiếm, mua bán đất rừng, trục lợi trái phép.

Một trong những tác nhân chính khác dẫn đến tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng làm đất sản xuất là tình trạng di cư tự do (DCTD) từ các tỉnh phía Bắc đến địa bàn tỉnh. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có có 1.748 hộ dân DCTD với 8.669 khẩu đang ở trên đất rừng tại địa bàn 10 huyện. Họ phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, từ đó tạo ra áp lực, khó khăn rất lớn cho việc quản lý, bảo vệ rừng, đất đai tại các địa phương, công ty, dự án nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, các địa phương chưa có kế hoạch cụ thể trong công tác phối hợp giải quyết tình trạng dân DCTD.

Là vấn đề nhức nhối, nhưng việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm gặp khó khăn, do phần lớn diện tích người dân đã canh tác ổn định từ trước năm 2015; đối tượng sử dụng đất chủ yếu là người dân DCTD thiếu đất sản xuất và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong khi đó, việc chuyển đổi diện tích rừng, đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp, đất ở để giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD gặp nhiều vướng mắc.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Gian nan "cuộc chiến" giữ rừng 

Minh Thông - Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.