Multimedia Đọc Báo in

Chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi trong mùa khô 2021 - 2022

06:46, 11/11/2021

Bước sang tháng 11, thời tiết ở Tây Nguyên có sự chuyển dịch từ mùa mưa sang mùa khô. Mùa mưa - lũ, ẩm ướt dần lùi nhường chỗ cho một mùa khô mới bắt đầu. Ảnh hưởng của vị trí địa hình khiến thời tiết khí tượng thủy văn trong tháng 11 và 12 hằng năm ở Tây Nguyên có sự phân hóa khá rõ theo không gian và thời gian.

Mực nước trên các sông, suối vùng phía đông trong tháng 11 và đến giữa tháng 12 vẫn còn nằm trong thời gian mùa lũ; lượng dòng chảy trung bình tháng thường đạt cao hơn lượng dòng chảy trung bình năm; một số năm còn có lũ lớn, tập trung chủ yếu ở các sông, suối thuộc lưu vực sông Đắk Bla, sông Ba và một số nhánh sông, suối của sông Sêrêpốk.

Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng trở nên rõ nét hơn, diễn biến thời tiết khí tượng thủy văn theo đó cũng có nhiều bất thường, sai khác hơn nhiều so với quy luật.

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng giảm thêm và khả năng chuyển sang trạng thái La Nina (hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường), duy trì cường độ yếu cho đến hết năm 2021 với xác suất khoảng 70% và có khả năng kéo dài sang đầu năm 2022.

Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuyên truyền, vận động các hộ dân sống gần rừng ký cam kết không gây cháy rừng. Ảnh: Vạn Tiếp

Nhiệt độ trung bình trong mùa khô 2021 – 2022 ở khu vực Tây Nguyên phổ biến xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa trong mùa khô phổ biến từ 100 – 200 mm, một số nơi lớn hơn 250 mm ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Như vậy, khả năng thiếu nước trong sản xuất ở mùa khô 2021 – 2022 tương đương với năm trước, cạn kiệt ở mức không nghiêm trọng và xảy ra ở diện hẹp. Lượng dòng chảy trên các sông, suối thiếu hụt từ 10 – 30%, mức thiếu hụt tương đương các mùa khô năm 2006 – 2007 và 2014 - 2015.

Hiện tại, mực nước ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Đây là điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống khô hạn, phục vụ công tác điều phối nước cho sản xuất và tưới tiêu cho cây trồng.

Theo quy luật chung trong mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5, thời tiết của Tây Nguyên có khả năng chịu tác động của một số đợt không khí lạnh nên thường xuyên có gió Đông Bắc thổi mạnh cấp 2, cấp 3, có lúc mạnh cấp 4, nhiệt độ hạ thấp dần. Ở các vùng trũng thấp, nhiệt độ trung bình từ 23 – 25 độ C; cao nhất từ 28 – 30 độ C; thấp nhất từ 18 – 20 độ C; ở các vùng núi cao, nhiệt độ trung bình từ 20 – 22 độ C; cao nhất từ 26 – 28 độ C; thấp nhất từ 16 – 18 độ C. Với nền nhiệt độ này, sẽ có nhiều ngày trời trở mát, đêm và sáng trời lạnh; vùng núi cao phía bắc Tây Nguyên trời rét.

Trong thời kỳ này lượng mưa giảm nên dòng chảy và lượng nước trên các sông, suối cũng giảm dần theo không gian và thời gian. Tuy nhiên do được thừa hưởng lượng nước mưa khá lớn trong tháng 10 cũng như trong toàn mùa mưa và trong tháng 11 còn có mưa ở các vùng thượng nguồn nên lượng nước trên các sông, suối khá phong phú; có khả năng duy trì ở mức xấp xỉ lượng nước trung bình tháng 11 nhiều năm.

Các địa phương cần chủ động thời tiết đang thuận lợi thu hoạch, phơi khô và bảo quản các loại nông sản cũng như có sự thuận lợi về thời tiết và nguồn nước để bắt đầu gieo trồng mùa vụ mới. Đặc biệt ưu tiên vốn đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi hiện có; tăng cường quản lý nguồn tài nguyên nước vì trong khi nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức thì giải pháp tưới bằng các công trình thủy lợi, đặc biệt là hồ chứa cần được tính ở mức cân bằng để Tây Nguyên giảm bớt áp lực “khát” trong mỗi mùa khô. Cần chú ý sự chuyển mùa diễn ra khá nhanh sẽ làm thời tiết có nhiều biến động và thường thay đổi đột ngột, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe con người; dễ gây bệnh cho vật nuôi...

Mặt khác, Tây Nguyên đang bước vào một mùa khô hạn mới, mực nước trên các sông, suối có biến đổi chậm theo xu thế giảm và kết hợp với gió nhiều làm mức độ khô hanh tăng lên khiến có nguy cơ thiếu nước phục vụ sinh hoạt cũng như nước tưới cho các cây công – nông nghiệp trong những tháng mùa khô năm 2021 - 2022. Đặc biệt thời gian từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 thường là thời kỳ khô và nắng nóng nhất trong năm, đồng thời cũng là thời điểm người dân thường phát dọn nương rẫy nên công tác phòng ngừa nguy cơ cháy rừng càng trở nên cấp thiết hơn.

      Võ Duy Phương

(Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.