Multimedia Đọc Báo in

Cũng bởi phá rừng mà ra!

10:13, 20/08/2023

Tỉnh Đắk Nông đã ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai hôm 8/8, sau những tai biến dồn dập. Sạt lở và nứt gãy đất ở TP. Gia Nghĩa, cắt đứt Quốc lộ 14. Nghiêm trọng nhất là tình trạng sạt lở và sụt lún đe dọa vỡ đập ở ba hồ chứa nước lớn ở tỉnh này.

Trước đó vài hôm, ngày 30/7, một vụ sạt lở kinh hoàng đã xảy ra tại đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vùi lấp chốt kiểm soát cùng ba cảnh sát giao thông và một người dân đi đường. Cùng lúc với Tây Nguyên, tin tức về thiên tai ở nhiều nơi ở Tây Bắc cũng liên tục nóng lên: sạt lở nghiêm trọng tại Mai Châu (Hòa Bình) vào sáng 4/8 khiến đất đá suýt chôn vùi xe chở khách du lịch; tại Lào Cai, trận mưa lớn ngày 4/8 khiến đất đá từ núi Hàm Rồng sạt lở xuống đường, nước dâng ngập phố phường “không còn nhìn ra Sa Pa”; lũ quét ập về nửa đêm 5/8 tại Yên Bái, người dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải nháo nhào.

Cũng trong ngày 4/8, tại TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng bờ sông Sài Gòn đoạn qua quận 12. Khu vực sạt dài 40 m, sâu vào bờ hơn 20 m, rất may chưa cuốn theo người nhưng đã có một ngôi nhà bị nước nhấn chìm. Sạt, lở, ngập cũng diễn ra ngay tại thủ đô Hà Nội. Cơn mưa lớn chiều 4/8 đã tạo thành cơn lũ kéo theo đất đá từ trên núi tràn xuống, vùi lấp nhiều ô tô ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) khiến du khách và người dân bàng hoàng.

“Sạt lở” đã trở thành từ khóa nhức nhối của tháng 8/2023.

Hiện trường vụ sạt lở trên đoạn đường tránh thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'leo. Ảnh: Vạn Tiếp

Tây Nguyên và Tây Bắc đang vào thời cao điểm mùa mưa. Miền Trung cũng chuẩn bị vào mùa bão lụt. Chưa biết điều gì nữa sẽ xảy ra, nhưng những trận sạt lở kinh hoàng của mùa mưa 2020 còn lâu mới nguôi quên. Năm đó, núi rừng sạt lở đã vùi lấp cả làng xóm ở Trà Leng (Quảng Nam), vùi lấp công trường nhà máy thủy điện ở Rào Trăng (Thừa Thiên - Huế) cùng hàng chục công nhân xây dựng đến nay vẫn chưa tìm thấy xác. Đau đớn nhất là lực lượng đi giải cứu cũng bị chôn vùi bởi một vụ sạt lở khác, nhiều sĩ quan và binh lính cùng lãnh đạo chính quyền đã nằm lại ở đó cùng với cái tên Rào Trăng đầy ám ảnh.

Điều gì đang xảy ra? Có phải là do trời đất đổi thay quá nhanh, như cách lý giải đã trở nên quá quen thuộc “do thời tiết cực đoan, vì biến đổi khí hậu”, khiến chúng ta trở tay không kịp?

Các chuyên gia đã có mặt tại các hiện trường sạt lở ở Lâm Đồng, Đắk Nông và xác nhận rằng lượng mưa lớn tập trung vào một thời điểm, khiến  nước không kịp thấm sâu vào lòng đất; đất đá trên bề mặt các sườn núi, các mái taluy ngấm nặng nước và sạt lở. Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn, vì vậy thời tiết cực đoan đã diễn ra gay gắt hơn. Những cơn mưa lớn xối xả trong những ngày đầu tháng 8 vừa qua là nguyên nhân trực tiếp gây nên những vụ sạt lở kinh hoàng. Nhưng, nếu chỉ thấy nguyên nhân từ trời đất thì chúng ta sẽ còn phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề hơn nữa.

Hãy nhìn vào hình ảnh vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc. Một mảng núi với hàng ngàn khối đất đá đã trượt khỏi kết cấu của ngọn núi và đổ ập xuống đường. Theo tường thuật của báo chí, mảng núi đó chiếm 1/4 diện tích của đồi sầu riêng rộng hơn 2 ha. Chung quanh đồi sầu riêng ấy là rừng, với các tầng cây rậm rạp, từ trên cao nhìn xuống không nhìn thấy mặt đất. Chỉ cái vườn sầu riêng ấy là trơ ra bề mặt đất đỏ, do các tầng cây bụi và lớp thực bì đã bị dọn sạch. Khu vườn này lại nằm trên một sườn núi có độ dốc khá cao. Vì vậy, khi mưa lớn dồn dập, cả mảng núi không còn che phủ bởi cây rừng sạt lở và đổ ập xuống là phải thôi. Cục Lâm nghiệp đã xác định vườn sầu riêng này là đất rừng phòng hộ, mà rừng phòng hộ thì phải trồng cây bản địa. Nếu nói do mưa lớn cực đoan dồn dập, vậy thì tại sao cả khu rừng chung quanh, với những sườn núi dựng đứng bên cạnh con đường, không hề hấn gì, mà chỉ vườn sầu riêng này đổ sụp?

Một khoảnh rừng bị phá trái phép để lấy đất sản xuất ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. Ảnh: Vạn Tiếp

Vụ sạt lở kinh hoàng ở đèo Bảo Lộc là một bằng chứng điển hình cho thấy hầu như các vụ tai biến sạt lở đều do nguyên nhân phá rừng mà ra. Phá rừng bây giờ không phải để lấy gỗ như trước, mà để lấy đất làm rẫy, làm vườn, và... trồng rừng. Sau các vụ sạt lở ở miền Trung mùa mưa lũ năm 2020, các chuyên gia lâm học đã xác định lại lần nữa: không phải có nhiều cây là có rừng, ngay cả rừng cây keo, rừng cao su với hàng vạn héc ta xanh rì ấy cũng không phải là rừng. Rừng đúng nghĩa phải là một quần xã sinh vật, trong đó cây rừng là thành phần chủ yếu. Cây rừng bao gồm tất cả các loài cây, các loài dây leo, các loài cỏ... Hệ sinh thái thiên hình vạn trạng của rừng còn có muôn loài động vật và nhiều loài khác nữa. Theo định nghĩa đó, Tây Nguyên vẫn xanh nhưng diện tích rừng thì đã thu hẹp rất nhiều. Đó chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, gây ra đủ thứ thiên tai; lũ lụt, hạn hán, sạt, lở, trượt, nứt...

Không chỉ sạt lở ở miền núi, mà ngay cả những vụ sạt lở ở đồng bằng; không chỉ sạt lở, mà cả những trận ngập lụt cục bộ giữa lòng đô thị, cũng đều có liên quan đến nguyên nhân phá rừng ở đầu nguồn. Nếu rừng không bị phá nặng nề thì có lẽ sẽ ít hơn những trận mưa cực đoan dữ dội, những trận nắng như thiêu đốt. Cứ nhìn lại 20 - 30 năm trước thì thấy được điều đó. Khí hậu biến đổi, môi trường suy thoái là quy luật của tự nhiên. Nhưng nếu thảm rừng trên trái đất này vẫn còn xanh thì quy luật đó sẽ diễn ra không thể nhanh hơn như những gì vừa diễn ra.

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.