Multimedia Đọc Báo in

Biến đổi khí hậu - không còn là lời cảnh báo

08:38, 05/06/2024

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và khó lường. Những đợt nắng nóng gay gắt; hạn hán, nhiễm mặn kéo dài; hiện tượng giông, lốc, sét và mưa đá xảy ra ở nhiều nơi đang tác động tiêu cực đến môi trường sống và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Thời tiết cực đoan khó lường

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), năm 2024, nắng nóng đến sớm và gay gắt hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Tháng 4 vừa qua được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử quan trắc, đỉnh điểm có nơi nhiệt độ lên đến 43 - 44oC. Có tới 50/63 tỉnh, thành phố ghi nhận nhiệt độ kỷ lục của tháng 4, trong đó có 29 tỉnh, thành phố ghi nhận nhiệt độ kỷ lục của năm.

Cụ thể, tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nhiệt độ tăng cao từ 3,1 - 3,6oC so với trung bình các năm; các khu vực khác cao hơn từ 1,6 - 2,4oC. Tình trạng nắng nóng ở khu vực Trung Bộ dự báo còn kéo dài đến tháng 8/2024.

Đoàn công tác của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra tình hình hạn hán trên địa bàn huyện Krông Búk). (Trong ảnh: Đập Ea Kring ở xã Ea Sin, huyện Krông Búk cạn khô hồi cuối tháng 4/2024). Ảnh: Minh Thuận

Không chỉ thế, tại một số tỉnh phía Bắc đã xảy mưa kèm theo giông, lốc, gây thiệt hại về người, cây trồng, tài sản. Khu vực Nam Bộ nắng nóng xuất hiện sớm và kéo dài, khô hạn xảy ra trên diện rộng khiến người dân thiếu nước sinh hoạt, sản xuất; kèm theo là hiện tượng sụt lún, sạt lở đất, tình hình nhiễm mặn diễn ra gay gắt.

Tại Đắk Lắk, trong tháng 4, nắng nóng gay gắt diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh với nhiệt độ từ 38 - 39oC; ở các huyện, xã biên giới nhiệt độ lên tới trên 40oC. Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều hồ đập, công trình thủy lợi cạn kiệt nguồn nước; nhiều diện tích cây trồng không có nước tưới làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây và năng suất, chất lượng; đồng thời, người dân ở một số khu vực cũng thiếu nước sinh hoạt…

Theo số liệu cập nhật từ các địa phương, trong đợt nắng vừa qua, trên địa bàn tỉnh có hơn 5.000 ha cây trồng và hơn 1.300 hộ dân sử dụng nước giếng bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước. Đến cuối tháng 5, trên địa bàn tỉnh đã bước vào mùa mưa (trễ hơn so với trung bình nhiều năm), tuy nhiên, có nhiều khu vực vẫn còn khô hạn, thiếu nước kéo dài tới đầu tháng 6/2024.

Hãy sống thân thiện với môi trường

Có thể thấy, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã không còn là lời cảnh báo mà đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức và ở mọi nơi, mọi lúc, đặt ra những thách thức gay gắt đối với môi trường và cuộc sống con người.

Đất sản xuất của người dân ở huyện Ea Kar bị sạt lở do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người.

Ngoài tác động tự nhiên, sự nóng lên toàn cầu còn do chính con người gây nên: việc gia tăng lượng khí thải nhà kính; quá trình công nghiệp hóa sinh ra hàng loạt các loại nhà máy phun khí thải, chất thải trực tiếp ra môi trường; khói bụi của xe cộ dùng nguyên liệu hóa thạch như xăng, dầu; tình trạng rừng bị tàn phá...

Để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tạo ra một môi trường sống bền vững trong tương lai cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chính mỗi người phải thay đổi thói quen, hành vi sống theo hướng thân thiện với môi trường, như cải tiến công nghệ, thay đổi quy trình để tiêu thụ năng lượng ít hơn, sử dụng nước ít hơn, xả thải ít hơn và trồng nhiều cây xanh hơn...

Thời gian qua, để góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chính quyền và các ban, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp và hành động.

Trong đó, ngành nông nghiệp và nhiều nông dân đã áp dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh; trồng xen canh trong sản xuất cà phê để điều hòa nhiệt hoặc trồng cây che phủ đất để giữ ẩm cho đất; phát triển hệ thống nông - lâm kết hợp...

Hay như việc đồng loạt các sở, ban, ngành và địa phương thay đổi thói quen sử dụng chai lọ nhựa, túi ni lông dùng một lần trong hoạt động công sở bằng vật dụng thủy tinh, nhựa sử dụng nhiều lần; tổ chức các hoạt động đổi rác thải, pin đã qua sử dụng lấy cây xanh, đồ dùng sinh hoạt; trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc...

Quan trọng nhất vẫn là mỗi người dân đều có ý thức trách nhiệm tham gia, bắt đầu ngay từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày, những việc làm này tưởng đơn giản nhưng sẽ làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu và là bước đi quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững và an toàn.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.