Multimedia Đọc Báo in

Phân loại rác thải tại nguồn: Cần đồng bộ tất cả các khâu

07:11, 03/11/2024

Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2025 hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải và không sử dụng bao bì chứa rác thải theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Như vậy, việc phân loại rác thải sinh hoạt (RTSH) không còn là vận động, khuyến khích nữa mà là quy định bắt buộc thực hiện.

Theo quy định, chất thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân thành: rác có khả năng tái chế, chất thải thực phẩm, chất thải sinh hoạt khác, chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, rác sau khi phân loại phải lưu giữ từng loại vào bao bì riêng và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có chức năng thu gom.

Ở vùng nông thôn, rác sau phân loại khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm làm phân bón, thức ăn chăn nuôi; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chỉ bàn giao chất thải khác cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.

Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền và yêu cầu khắc phục. Mặt khác, những hộ thải bỏ lượng rác thải nhiều sẽ phải trả phí cao; ưu tiên miễn phí cho lượng rác thải đã được phân loại.

Rác thải sinh hoạt được thu gom tại một khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Krông Ana.

Để bảo đảm lộ trình thực hiện theo quy định, ngày 1/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc tăng cường triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại cơ quan, đơn vị; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và giảm thiểu sử dụng túi nilon, dần thay thế bằng các vật dụng sử dụng nhiều lần, thân thiện, hạn chế ô nhiễm môi trường...

Quy định đã có, hướng dẫn thực hiện cũng đã ban hành, thế nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Đến nay, phần lớn người dân vẫn chưa biết đến quy định này cũng như chưa có thói quen phân loại rác thải tại hộ gia đình. Một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai những mô hình, dự án thí điểm phân loại rác thải tại nguồn nhằm hình thành thói quen, nhận thức cho người dân. Tuy nhiên, hầu như mới dừng ở mức phong trào, hoặc không được tiếp tục duy trì và nhân rộng như mục tiêu đã đề ra.

Lý do khiến phân loại RTSH đạt hiệu quả thấp được cơ quan chức năng đưa ra là hạ tầng trạm trung chuyển, điểm tập kết rác còn thiếu, chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và môi trường; công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định nhiều nơi chưa tốt; phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải chưa đáp ứng yêu cầu...

Thực tế, để thay đổi thói quen phân loại, bỏ rác đúng nơi quy định không dễ đạt được trong thời gian ngắn. Khi thời hạn áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm đã cận kề, việc cần làm ngay và quan trọng nhất là nâng cao ý thức cho tất cả người dân về ý nghĩa của hoạt động phân loại rác sinh hoạt. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần triển khai ngay các giải pháp như cung cấp thông tin, cách thức, phương tiện để người dân phân loại rác thải một cách dễ dàng nhất; đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại đến thu gom, xử lý, tái chế...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.