Nỗ lực phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến xe máy kéo
Những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do xe máy kéo gây ra có chiều hướng tăng. Do đó, Đội Cảnh sát giao thông – trật tự (CSGT-TT) Công an huyện Krông Ana đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để phòng ngừa, giảm thiểu TNGT liên quan đến phương tiện này.
Xe máy kéo (hay còn gọi là xe công nông, xe máy cày) chủ yếu hoạt động tự phát để sử dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Krông Ana có số lượng xe máy kéo khoảng trên 2.280 chiếc, chủ yếu do đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã như Ea Bông, Ea Na, Dur Kmăl, Băng Adrênh… sử dụng.
Theo Thiếu tá Nguyễn Anh Vũ, cán bộ Đội CSGT-TT Công an huyện Krông Ana, thời điểm vào mùa thu hoạch cà phê, dọc theo tuyến đường ĐT 698 (Tỉnh lộ 2), ĐT 690 (Tỉnh lộ 10), ĐT 690A (Tỉnh lộ 10A), xe máy kéo hoạt động nhộn nhịp. Mỗi ngày, có hàng chục chuyến xe lưu thông trên đường chở đầy nông sản, vật nuôi và rất nhiều người. Điều này không chỉ gây ra mất an toàn khi tham gia giao thông mà còn vi phạm các quy định về Luật Giao thông đường bộ, bởi theo quy định, xe máy kéo chỉ được phép chở hàng hóa, không được phép chở người. Đáng chú ý, hầu hết người điều khiển phương tiện này đều không có giấy phép lái xe, không tuân thủ các quy tắc giao thông khi lưu thông trên đường. Đa số loại xe máy kéo được độ chế không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật, không có đèn chiếu sáng hay tín hiệu cảnh báo khi lưu thông hay dừng, đỗ vào ban đêm... sẽ gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Trước đó, vào năm 2020, trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 vụ TNGT liên quan đến xe máy kéo, làm chết 2 người, hư hỏng 2 phương tiện.
Lực lượng CSGT - TT Công an huyện Krông Ana dán decal phản quang lên xe máy kéo của người dân. |
Ðể hạn chế và giảm thiểu nguy cơ TNGT liên quan đến loại phương tiện này, Đội CSGT-TT đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt yêu cầu chủ phương tiện tháo bỏ những bộ phận độ chế, đưa xe trở về hiện trạng ban đầu; cam kết không chở hàng quá tải và người trên thùng xe; kiên quyết xử phạt các trường hợp cố tình tự tháo dỡ, chuyển đổi mục đích sử dụng và yêu cầu các cơ sở sửa chữa viết cam kết không nhận độ chế xe.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng CSGT-TT Công an huyện Krông Ana đã xử phạt hành chính 279 trường hợp vi phạm liên quan đến xe máy kéo, thu nộp Kho bạc Nhà nước số tiền gần 140 triệu đồng. Đồng thời, nhắc nhở 21 trường hợp điều khiển xe máy kéo độ chế. |
Bên cạnh tuần tra, cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT-TT đã kết hợp dán decal phản quang lên máy kéo giúp người đi đường dễ nhận biết từ xa để chủ động giảm tốc độ, tránh va chạm với phương tiện này khi lưu thông. Đặc biệt, lực lượng CSGT-TT còn yêu cầu người điều khiển phương tiện phải ký cam kết về việc không chở quá khổ, quá tải, không để người ngồi trên thùng xe; không điều khiển phương tiện khi không đủ điều kiện theo quy định; thực hiện nghiêm các quy định về đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, đèn báo hướng rẽ, còi và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Đồng thời, Đội CSGT-TT huyện cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ để người dân nâng cao ý thức chấp hành, góp phần giảm thiểu TNGT.
Anh Đỗ Minh Cường (thôn 3, xã Quảng Điền) cho hay: “Được cán bộ, chiến sĩ CSGT huyện dán decal phản quang lên xe máy kéo giúp tôi yên tâm hơn khi tham gia giao thông. Nhờ vậy, những lúc ở rẫy chở nông sản về tối, tôi cũng không lo sợ bị xe khác tông trúng vì đã phát ra được tín hiệu để người đi đường từ xa nhận biết”.
Cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT-TT Công an huyện Krông Ana hướng dẫn người điều khiển xe máy kéo ký cam kết. |
Đại úy Nguyễn Xuân Hoàn, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an huyện Krông Ana cho biết, thực tế hiện nay, việc quản lý, xử lý vi phạm đối với xe máy kéo độ chế trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn bởi trong sản xuất nông nghiệp, đối với đặc điểm, địa hình đồi núi Tây Nguyên, loại phương tiện này đặc biệt thiết yếu để bà con vận chuyển nông sản. Do đó, bài toán giảm thiểu TNGT liên quan đến loại phương tiện này trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Krông Ana nói riêng vẫn chưa có lời giải. Vì vậy, việc Đội CSGT-TT triển khai đồng bộ các giải pháp về dán decal phản quang nhận diện, yêu cầu ký cam kết... nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu các vụ TNGT liên quan đến xe máy kéo.
Khánh Hân
Ý kiến bạn đọc