Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tiêm vắc xin phòng COVID-19
Cũng giống như bất cứ loại vắc xin nào, vắc xin ngừa COVID-19 có thể gây ra những phản ứng phụ sau khi tiêm. Vậy, nếu không may xảy ra các rủi ro khi tiêm vắc xin COVID-19 thì có được bồi thường hay không?
Theo các quy định chung về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và quy định về hoạt động tiêm chủng như: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, nếu xảy ra các rủi ro khi tiêm vắc COVID-19 thì người bị thiệt hại sẽ được Nhà nước bồi thường. Tuy nhiên, không phải trường hợp rủi ro nào cũng được bồi thường mà phải đáp ứng các điều kiện cụ thể theo quy định pháp luật.
Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP quy định: “Khi sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại”. Khoản 6 Điều 30 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định: “Khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại”. Như vậy, theo các quy định này có thể hiểu, để được Nhà nước bồi thường trong tiêm chủng phải đáp ứng 2 điều kiện gồm: (1) Hoạt động tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm chủng chống dịch; (2) xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh minh họa: Kim Oanh |
Tiêm chủng mở rộng là chương trình mục tiêu y tế quốc gia nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm; tiêm chủng chống dịch là hoạt động tiêm chủng miễn phí do Nhà nước tổ chức cho những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch, người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch (khoản 2 Điều 3 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP). Hiện nay, tiêm vắc xin COVID-19 được hiểu là hoạt động tiêm chủng chống dịch. Do đó, khi tiêm loại vắc xin này, nếu xảy ra rủi ro thuộc một trong hai trường hợp sau thì sẽ được Nhà nước bồi thường: (1) Người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; (2) Người được tiêm chủng bị tử vong (Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP). Cần lưu ý đối với trường hợp thứ nhất thì yêu cầu bắt buộc là xảy ra tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến khuyết tật, không đặt ra yêu cầu về mức độ khuyết tật.
Mức bồi thường cho các thiệt hại nếu xảy ra trong tiêm chủng nói chung và tiêm vắc xin COVID-19 nói riêng được quy định tại Điều 16 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP. Cụ thể, đối với trường hợp thiệt hại do để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật được bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; thu nhập bị mất hoặc giảm sút của một người phải nghỉ việc để chăm người được nhà nước bồi thường; thu nhập bị mất hoặc giảm sút của nạn nhân trong thời gian điều trị. Đối với trường hợp thiệt hại đến tính mạng được bồi thường các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi tử vong; chi phí mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định; chi bù đắp tổn thất về tinh thần là 100 triệu đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại; thu nhập bị mất hoặc giảm sút của một người phải nghỉ việc để chăm người được Nhà nước bồi thường; thu nhập bị mất hoặc giảm sút của nạn nhân trong thời gian điều trị trước khi tử vong.
Như vậy, trách nhiệm bồi thường nếu xảy ra các thiệt hại trong khi tiêm vắc xin COVID-19 thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, theo khoản 6 Điều 30 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Phan Hiền
Ý kiến bạn đọc