Ngang nhiên phá trắng rừng tại huyện Lắk
Trong khi cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý vụ án hủy hoại hàng trăm héc-ta rừng tại xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) mới đây, một vụ phá rừng với quy mô lớn lại được phát hiện tại huyện Lắk.
Phá trắng rừng dự án để canh tác
Trước thông tin hàng chục héc-ta rừng tại huyện Lắk bị phá, chúng tôi đã có mặt tại các tiểu khu 1392 và 1400 (thuộc lâm phần Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai - Chi nhánh Đắk Lắk quản lý) nằm trên địa phận xã Đắk Phơi. Ghi nhận tại khu vực này, một số quả đồi bị "cạo trọc", người dân đã gieo các loại cây trồng.
Một số vị trí, rừng bị phá nham nhở, cây rừng bị chặt trước đó đã khô, người dân đang đốt, khói nghi ngút. Tại một khoảnh rừng thuộc tiểu khu 1392, có hàng chục người dân đang tập trung đốt cây khô và dọn dẹp những khu vực rừng vừa bị phá để chuẩn bị xuống giống lúa nương.
Đáng nói là thời điểm này có sự hiện diện của công an địa phương và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng nhưng người dân vẫn thản nhiên làm việc trong sự “bất lực” của cơ quan chức năng. Sau khi ghi nhận sự việc tại hiện trường, đánh dấu tọa độ vị trí rừng bị chặt phá, các lực lượng rút đi, người dân vẫn tiếp tục làm đất.
Theo kết quả kiểm tra của Cục Kiểm lâm (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp), chính quyền địa phương và Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai - Chi nhánh Đắk Lắk cho thấy, tổng diện tích rừng bị phá là 74,6 ha, thời gian rừng bị phá vào khoảng đầu tháng 3/2022. Trạng thái là rừng gỗ tự nhiên núi đất, lá rộng thường xanh trung bình, nghèo, nghèo kiệt và lồ ô được quy hoạch rừng sản xuất thuộc lâm phần Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai quản lý (diện tích 63,7 ha) và UBND xã Đắk Phơi quản lý (10,9 ha). Trên diện tích này, toàn bộ cây rừng đã bị phá trắng.
Người dân dọn dẹp đất rừng mới bị phá để chuẩn bị canh tác. |
Qua tìm hiểu, năm 2009, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai được giao hơn 1.300 ha đất tại huyện Lắk để thực hiện dự án trồng rừng. Sau khi phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng trên, đơn vị đã báo cáo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có hướng xử lý, đề xuất các giải pháp phối hợp, hỗ trợ công ty thu hồi diện tích bị xâm chiếm nhằm thực hiện dự án. Ông Nguyễn Tiến Huy, Trưởng Phòng Tổng hợp của chi nhánh Đắk Lắk thuộc công ty này cho biết, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất đã diễn ra nhiều năm nay. Mặc dù lực lượng quản lý bảo vệ rừng của công ty đã thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng, nhưng chỉ dừng lại ở mức lập biên bản sự việc, kiểm tra hiện trường, đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân dừng việc phá rừng nhằm tránh việc xung đột với người dân và tạo những “điểm nóng” về tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Làm rõ trách nhiệm
Theo kiểm tra của đoàn liên ngành ngày 12/4 vừa qua, tại tiểu khu 1400 có 10,9 ha rừng bị phá thuộc lâm phần của UBND xã Đắk Phơi, huyện Lắk quản lý. Trạng thái rừng (le, lồ ô) tự nhiên có xen cây thân gỗ thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Đối với diện tích rừng bị phá trái pháp luật này, UBND xã Đắk Phơi chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định.
Ngày 18/4, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Phơi Nay Y Ngọc thừa nhận việc 10,9 ha rừng tại tiểu khu 1400 bị phá nằm trên địa phận xã là đúng, tuy nhiên, diện tích này đã được giao cho UBND xã Đắk Phơi quản lý, bảo vệ hay chưa thì chính quyền xã đang xác minh lại.
“Chúng tôi bất ngờ khi đoàn kiểm tra cho rằng diện tích rừng bị phá do địa phương quản lý. Sau khi xảy ra vụ phá rừng, xã đã tìm lại hồ sơ về diện tích rừng bị phá trên nhưng tại UBND xã Đắk Phơi không có hồ sơ lưu, do đó vẫn chưa thể xác định UBND xã là chủ rừng. Tôi đã chỉ đạo cán bộ xã tìm lại hồ sơ về quyết định giao rừng, bản đồ rừng… của diện tích rừng nói trên, nếu không có, xã sẽ lên huyện xác minh lại hồ sơ giao rừng đối với diện tích 10,9 ha bị phá để xử lý vụ việc”, ông Nay Y Ngọc cho hay.
Đất rừng tại xã Đắk Phơi (huyện Lắk) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai quản lý bị cạo trọc. |
Theo số liệu của UBND xã Đắk Phơi, trên địa bàn xã có hơn 8.607 ha đất rừng các loại, trong đó, UBND xã quản lý 1.011 ha, giao cho các nhóm hộ quản lý hơn 59 ha, diện tích còn lại giao cho doanh nghiệp. Chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn chặn việc người dân phá rừng lấy đất sản xuất, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, xử lý vụ việc.
Cũng trên địa bàn huyện Lắk, ngày 25/3/2022, cơ quan chức năng đã phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng tại xã Krông Nô. Cụ thể, qua kiểm tra, xác minh hiện trường ghi nhận diện tích rừng bị tác động là gần 23,6 ha, trong đó rừng tự nhiên 4,56 ha, do UBND xã Krông Nô quản lý.
Liên quan đến các vụ phá rừng nghiêm trọng tại huyện Lắk, Sở NN-PTNN đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo huyện Lắk tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; chỉ đạo UBND xã Đắk Phơi và Krông Nô bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, tang vật các vụ phá rừng do địa phương quản lý; đề nghị Công an, Viện Kiểm sát nhân dân huyện phối hợp, hỗ trợ Hạt Kiểm lâm huyện nhằm điều tra, xác minh và tiếp nhận hồ sơ 2 vụ vi phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý trong việc để xảy ra các vụ phá rừng mà không phát hiện, ngăn chặn kịp thời; đồng thời rà soát toàn bộ diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê (hiện do UBND xã quản lý) để bảo vệ hiệu quả.
Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai - Chi nhánh Đắk Lắk được yêu cầu bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, tang vật; tổ chức lực lượng, quản lý, bảo vệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê; chủ động rà soát, xác định những “điểm nóng”, dự báo nguy cơ xảy ra hành vi xâm phạm tài nguyên rừng trên lâm phần quản lý để kịp thời ngăn chặn…
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc