Multimedia Đọc Báo in

Bỗng dưng bị... đòi nợ

06:37, 08/05/2022

Dù không vay tiền qua app (ứng dụng điện thoại), hay bảo lãnh cho người khác vay mượn tiền nhưng nhiều người dân ở xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar) vẫn bị các đối tượng đòi nợ thuê liên tục gọi điện, nhắn tin gây áp lực, quấy rối, uy hiếp ép phải trả nợ, hoặc tác động để người vay trả nợ.

Những ngày gần đây, chị H’Juôn Mlô (ở buôn Jok, xã Ea H’đing) mất ăn mất ngủ vì bị các đối tượng xưng là người một tổ chức tín dụng cho vay tiền qua app liên tục gọi điện, nhắn tin đòi tiền và yêu cầu phải có trách nhiệm đối với khoản vay của một người bạn.

Mỗi ngày chị H’Juôn nhận được rất nhiều cuộc gọi đòi nợ, vào bất kể giờ giấc, dù chị H’Juôn đã cố gắng giải thích việc vay mượn này không liên quan đến mình. Liên tiếp bị gọi điện, nhắn tin làm phiền, chị đã chặn các số điện thoại nhưng khi chặn số này, lập tức có số điện thoại khác tiếp tục quấy rối. Không còn cách nào khác, chị đành đăng thông tin lên mạng xã hội Facebook để “kêu cứu”. Chị H’Juôn Mlô bức xúc: “Họ gọi điện, nhắn tin liên tục, từ sáng đến tối, nhiều khi 12 giờ đêm, 1 giờ sáng vẫn còn gọi, có ngày đến gần cả trăm cuộc gọi. Giờ số điện thoại lạ gọi đến là mình không dám nghe nữa. Họ gọi nói mình lừa đảo, khiến mình rất bức xúc”.

Tin nhắn bôi nhọ danh dự thầy Bùi Đình Thảo được gửi cho bạn bè, người thân của người vay.
 

Khi bị các đối tượng nhắn tin, gọi điện thoại đòi nợ, quấy nhiễu, gây sức ép người dân nên báo ngay cho cơ quan công an, chính quyền địa phương để được hỗ trợ”.

 
Phó Chủ tịch UBND xã Ea H’đing Y Rin Niê

Tương tự, thầy Bùi Đình Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (xã Ea H’đing) cũng bỗng dưng bị các đối tượng cho vay tiền qua app liên tục gọi điện, nhắn tin đòi nợ đối với khoản nợ của một người quen. Mặc dù thầy đã giải thích và yêu cầu người đòi nợ nên đòi trực tiếp người vay nhưng mọi sự giải thích đều không được quan tâm… Thầy Thảo kể: “Họ gọi điện bất kể ngày đêm, nói tôi đồng lõa, chạy nợ... Tôi chặn số này thì họ gọi lại bằng số khác, làm ảnh hưởng nhiều đến thời gian làm việc, nghỉ ngơi của tôi. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc dẹp bỏ nạn cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen như vậy để những người dân không còn bị rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” như tôi”.

Thực tế cho thấy, do cần giải quyết các nhu cầu cá nhân, hay công việc và tâm lý ngần ngại đến ngân hàng mà nhiều người dân đã dính vào vay tiền qua các app “tín dụng đen”. Một số app buộc người vay phải cung cấp thông tin, số điện thoại người thân, bạn bè, hay cấp quyền truy cập vào danh bạ điện thoại… nên khi không trả nợ đúng hạn, không chỉ người vay mà cả bạn bè, người thân, đồng nghiệp xung quanh cũng bị các đối tượng đòi nợ liên tục nhắn tin, gọi điện đe dọa và uy hiếp để trả nợ thay, hoặc phải tác động để người vay trả nợ. Đặc biệt, một số đối tượng còn có hành vi đe dọa nhằm gây áp lực để người nghe điện thoại phải trả nợ thay cho nhân viên hoặc người quen. Ông Y Rin Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea H’đing cho biết, qua nắm bắt, có trường hợp chỉ vay vài triệu đồng thôi nhưng trả mãi không hết. UBND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đề cao cảnh giác, hết sức thận trọng khi sử dụng dịch vụ vay tiền online; cần tìm hiểu kỹ thông tin, điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ rõ ràng..., tránh gặp phải những hệ lụy khôn lường cho bản thân và mọi người xung quanh.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.