Giải quyết các vụ việc môi trường: Tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan tư pháp
Kinh tế thị trường ngày càng phát triển, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ, Đắk Lắk không tránh khỏi tình trạng ô nhiễm môi trường và các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc là đòi hỏi cấp thiết, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan tư pháp.
Ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, từ năm 2015 đến nay, Sở Tài nguyên – Môi trường đã phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 28 đơn vị, cá nhân với tổng số tiền trên 2,12 tỷ đồng về các hành vi: vận hành không đúng quy trình xử lý chất thải, xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, không thực hiện một số nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận... Bên cạnh đó, từ đường dây nóng và đơn thư phản ánh, Sở đã tiếp nhận, giải quyết 127 vụ việc môi trường, chủ yếu là các cơ sở chăn nuôi có quy mô hộ gia đình ở khu vực nông thôn.
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra các điều kiện bảo đảm việc khai thác đá của một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Bà Lê Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết, việc xử lý các vụ việc liên quan đến môi trường gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, nhiều dân tộc cùng sinh sống, lượng công việc thuộc lĩnh vực môi trường nhiều trong khi nguồn nhân lực mỏng. Thêm vào đó, các vụ việc xả thải thường diễn ra vào ban đêm hoặc lúc trời mưa, được phát hiện khi hành vi đã chấm dứt, khó xác định dấu vết; bến bãi, nhà kho chứa các tang vật, phương tiện vi phạm chưa đáp ứng nhu cầu; công tác kiểm tra, theo dõi thi hành biện pháp khắc phục hậu quả chưa hiệu quả.
Để nâng cao năng lực giải quyết các vụ việc về môi trường cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, tổ chức hội thảo, tập huấn chuyên sâu theo từng lĩnh vực, thành lập tòa án chuyên trách về môi trường. Nhưng quan trọng nhất là cần có sự phối hợp tích cực, chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan tư pháp, hành pháp, bảo đảm cho pháp luật về môi trường được tôn trọng và thực hiện hiệu quả”. Phó Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Văn Chung
|
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, từ năm 2015 đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 2.386 vụ việc với 2.414 đối tượng vi phạm các quy định của pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; đã khởi tố 41 vụ, 60 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 2.287 vụ với 2.320 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước trên 15 tỷ đồng. Theo đánh giá của Công an tỉnh, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên ngày càng gia tăng, có tính chất phức tạp, chủ yếu là xả thải, khai thác, vận chuyển tài nguyên khoáng sản, hủy hoại, xâm chiếm rừng, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã. Các đối tượng ngày càng tinh vi, hoạt động không theo quy luật, sử dụng nhiều phương tiện tự chế, thuê người cảnh giới, canh đường... Việc nhận diện, xác định các hành vi vi phạm còn nhiều khó khăn về trang thiết bị, phương tiện, nhân lực, kinh phí kiểm định mẫu, quyền hạn pháp lý...
Tăng cường phối hợp, xử lý
Việc giải quyết các vụ việc liên quan đến vấn đề môi trường đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tư pháp, chuyên môn, chính quyền địa phương trong thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan, giám định, định giá, thực hành quyền công tố, kiểm sát, điều tra, thụ lý, giải quyết, xét xử...
Hệ thống xử lý nước thải của một nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh. |
Trên thực tế, công tác xử lý các vụ việc vi phạm môi trường còn hạn chế, số vụ việc được khởi tố chưa nhiều, các trường hợp vi phạm chưa được xử lý nghiêm minh, chủ yếu là xử phạt hành chính. Từ năm 2015 đến nay, Tòa án Nhân dân hai cấp của tỉnh chỉ mới thụ lý 55 vụ, 149 bị cáo, đã giải quyết 51 vụ với 130 bị cáo về các hành vi vi phạm thuộc 3 tội danh: “Hủy hoại rừng”, “Vi phạm các quy định bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm”, “Vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên”, còn các tội danh khác thì chưa đưa ra xử lý vụ nào. Nguyên nhân là do cơ quan chức năng quản lý nhà nước về môi trường và chính quyền các cấp nhận thức chưa đầy đủ về quyền năng, trách nhiệm của mình. Vì vậy, có nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không xử lý hình sự được.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Tuấn Quang cho hay, đội ngũ chức danh bổ trợ tư pháp gồm 143 luật sư, 15 trợ giúp viên pháp lý, 3 tư vấn viên pháp luật, 138 giám định viên tư pháp đang tham gia giải quyết các vụ việc về môi trường ở các góc độ, khía cạnh khách nhau. Tuy nhiên, việc nhận diện được một hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, mức độ thiệt hại gây ra là rất khó. Hơn nữa, quy định pháp luật về xác định, xử lý vi phạm, bổ trợ tư pháp còn bất cập, chưa bảo đảm sự thống nhất. Do đó, để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, cần đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật, thông tin về môi trường, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và đề nghị tổ chức luật sư tham gia hỗ trợ giải quyết các vụ việc.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc