Sao rừng mãi bị xâm hại !?
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh phát hiện nhiều trường hợp phá rừng với quy mô lớn. Đây là những vụ việc có tổ chức, ngang nhiên phá trắng, cạo trọc rừng. Vậy chủ rừng ở đâu trong khi việc phá rừng diễn ra công khai trong thời gian dài?
Có thể nói, tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép và xâm chiếm đất lâm nghiệp là vấn đề nhức nhối của địa phương trong những năm qua. Thời gian gần đây, câu chuyện này lại "nóng" hơn khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ việc xâm hại rừng, nhất là rừng do các doanh nghiệp, UBND cấp xã quản lý.
Vụ phá rừng được dư luận quan tâm nhất là hơn 382 ha rừng tại các Tiểu khu 205, 222 trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt do UBND xã này quản lý bị phá trong thời gian dài. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng khi diện tích rừng bị xâm hại lớn nhất từ trước đến nay, có quy mô tổ chức khác với các vụ việc phá rừng nhỏ lẻ trước đây.
Tại huyện Lắk, cơ quan chức năng cũng ghi nhận liên tiếp 2 vụ phá rừng quy mô lớn. Vụ thứ nhất 74,6 ha rừng tại Tiểu khu 1392 và Tiểu khu 1400, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai Chi nhánh Đắk Lắk (63,7 ha) và UBND xã Đắk Phơi (10,9 ha) quản lý bị phá trắng. Vụ thứ hai là gần 23,6 ha rừng bị xâm hại, trong đó rừng tự nhiên 4,56 ha, do UBND xã Krông Nô quản lý.
Một cây gỗ rừng bị chặt hạ tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp. |
Tình trạng phá rừng diễn ra ở nhiều nơi và trong thời gian dài cho thấy chủ rừng là các doanh nghiệp, UBND các xã, lực lượng chức năng trên địa bàn vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm được giao, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thuê đất rừng rồi bỏ mặc dự án trong thời gian dài; thậm chí nhiều trường hợp, cơ quan chức năng không tìm được chủ dự án để làm việc khi cần thiết.
Về phía địa phương, Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn cho biết, một trong những nguyên nhân để xảy ra các vụ việc phá rừng là do vai trò, trách nhiệm, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng có thời điểm còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục; năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức cấp xã hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp hiện nay; việc tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý, giải quyết một số vụ việc phức tạp về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời, để kéo dài thời gian.
Rõ ràng, trách nhiệm trước hết trong việc để mất rừng là của chủ rừng. Về phía UBND cấp xã, việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn trong khi nhân lực, kinh phí có hạn là trách nhiệm quá sức. Còn đối với các doanh nghiệp, họ cũng thờ ơ với việc giữ rừng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chế tài xử lý các chủ rừng để mất rừng cũng chưa đủ mạnh và cơ quan chức năng cũng chưa thật sự quyết liệt trong việc xử lý những trường hợp để rừng bị xâm phạm.
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Những hành vi hủy hoại rừng, những chủ rừng thiếu trách nhiệm dẫn đến để mất rừng sẽ bị xử lý nghiêm minh với tinh thần không có "vùng cấm", không có ngoại lệ.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc