Multimedia Đọc Báo in

Xử phạt người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia: “Thuốc đắng”… có “dã tật”?

15:21, 18/07/2022

Hiện nay, quy định về mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia rất cao, nhưng hành vi vi phạm này vẫn diễn ra khá phổ biến trên phạm vi cả nước, kéo theo nhiều hệ lụy…

Thông tin tại Hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu, bia, đồ uống có đường do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge tổ chức vào đầu tháng 7 vừa qua cho biết, Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ ba châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu, bia/người.

Hội nghị này cũng chỉ rõ, sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang gia tăng cao, đặc biệt là ở giới trẻ và được thể hiện ở ba tiêu chí: mức tiêu thụ bình quân/đầu người quy đổi ra lượng cồn nguyên chất; tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở cả hai giới; sử dụng ở mức nguy hại đều ở mức cao. Cụ thể, mức tiêu thụ rượu, bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam là 8,3 lít, tương đương với 1 người uống 170 lít bia mỗi năm.

Từ những con số này cho thấy tỷ lệ sử dụng rượu, bia tại Việt Nam rất đáng báo động, và hệ lụy mà rượu, bia gây ra là rất lớn. Hội nghị nêu trên cũng chỉ rõ rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế; là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (Công an TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.

Ngoài những hệ lụy này, người sử dụng rượu, bia nếu điều khiển phương tiện giao thông còn là nguyên nhân dẫn tới gây ra tai nạn giao thông hàng đầu, thương vong với tỷ lệ cao, để lại hậu quả rất lớn cho bản thân, gia đình và xã hội. Không những thế, người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông còn bị xử phạt hành chính với mức rất cao.

Theo quy định, hiện nay mức phạt đối với người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông cao nhất từ 30 - 40 triệu đồng đối với tài xế ô tô, từ 6 - 8 triệu đồng đối với xe máy, đồng thời tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Mức phạt cao, nhưng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến.

Điều này cho thấy, thói quen sử dụng rượu, bia tại Việt Nam vẫn là thực trạng đáng báo động. Dù cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về hệ lụy mà loại đồ uống này gây ra, cộng với các biện pháp mạnh xử lý về tài chính, nhưng vẫn không có dấu hiệu giảm. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, mọi hoạt động trở lại bình thường, các cuộc giao lưu, gặp gỡ tăng cao kéo theo nhu cầu sử dụng rượu, bia cũng tăng lên.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), chỉ sau hai tháng (từ 15/12/2021 đến 15/2/2022), thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các lễ hội đầu xuân năm 2022, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 414.822 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó có hơn 27.000 trường hợp vi phạm nồng đồ cồn.

Tại tỉnh Đắk Lắk, năm 2021, lực lượng chức năng xử lý 5.133 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 6 tháng đầu năm 2022 xử lý 2.939 trường hợp. Dự báo, từ nay đến cuối năm, số trường hợp vi phạm về nồng độ cồn sẽ tăng cao hơn nữa – đây là thách thức đối với công tác bảo đảm TTATGT cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng.

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới trong 3 - 4 năm trở lại đây, nhiều ý kiến cho rằng các biện pháp hạn chế việc tiêu thụ đồ uống có cồn nói chung, xử lý người uống rượu, bia điều khiển phương tiện nói riêng hiện nay vẫn chưa đủ mạnh. Do đó, ngày 23/4/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Theo đó, sẽ xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế. Đây được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu vừa đảm bảo sức khỏe người dân, vừa tăng thu ngân sách và giảm các thiệt hại, hệ lụy về mặt xã hội do rượu, bia gây ra.

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.