Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát trong giải quyết án hành chính

05:35, 01/11/2022

Trước tình trạng khiếu kiện kéo dài, phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, ngành KSND tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, mang lại chuyển biến tích cực trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu của Viện KSND tỉnh, tổng số án hành chính thụ lý trong năm 2020 là 191 vụ; đến năm 2021 tăng lên 245 vụ; chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã thụ lý 230 vụ. Đặc biệt, chỉ tính trong 3 năm (2019 đến 2021), trong 19 loại khiếu kiện hành chính với tổng cộng 474 vụ án thì loại án liên quan đến đất đai (quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là 370 vụ án, chiếm gần 80%.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ký kết chương trình phối hợp trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Trần Văn Bắc, Trưởng Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng về số lượng các khiếu kiện hành chính. Trong đó nổi cộm là tình trạng dân di cư tự do tự tìm nơi ở, khai hoang, phá rừng làm nương rẫy; người dân sử dụng đất một thời gian dài nhưng không đăng ký quyền sử dụng đất, chuyển nhượng đất đai không tuân thủ quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, pháp luật về quản lý đất đai tuy đã có sửa đổi, bổ sung nhưng còn vẫn còn bất cập, chậm triển khai trên thực tế; tình trạng buông lỏng và năng lực quản lý yếu kém của các nông, lâm trường cùng với sự thiếu quan tâm của chính quyền cơ sở dẫn đến đất bị lấn, chiếm, phá rừng làm nương rẫy; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để…

Với mục tiêu nâng cao chất lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm sát các vụ án hành chính, ngành KSND tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, coi trọng công tác kháng nghị và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp. Đồng thời, viện KSND hai cấp cũng bố trí những kiểm sát viên có năng lực, trình độ và kinh nghiệm để đảm nhiệm công tác này; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ban hành kháng nghị phúc thẩm ngang cấp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ bản án của cấp sơ thẩm bị cấp trên hủy, sửa. 

Cán bộ, kiểm sát viên Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác (Viện KSND tỉnh) họp triển khai công việc.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác kiểm sát trong giải quyết các vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kiểm sát viên tham gia 100% phiên tòa, phiên họp thuộc trường hợp luật định, kiểm sát chặt chẽ các thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; kiểm sát viên tại phiên tòa đều thể hiện rõ quan điểm giải quyết của viện kiểm sát; không có trường hợp án bị hủy, sửa do trách nhiệm của viện kiểm sát; chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm ngang cấp được nâng cao; ban hành nhiều kiến nghị, nhất là kiến nghị phòng ngừa đối với chủ tịch UBND cùng cấp trong lĩnh vực quản lý đất đai, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không đúng quy định của pháp luật…

Ông Lê Quang Tiến, Viện trưởng Viện KSND tỉnh khẳng định: Nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, thời gian tới, ngoài việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-VKSTC, ngày 18/10/2022 của Viện KSND Tối cao,  Viện KSND tỉnh đã không ngừng đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị, nhất là đối với những vụ án phức tạp, khiếu kiện đông người, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, tăng cường hơn nữa việc ban hành kiến nghị, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đủ sức thuyết phục, hiệu quả.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.