Sẽ xử lý nghiêm hành vi xuyên tạc về việc bảo vệ thi công Dự án Hệ thống thoát nước trung tâm huyện Cư Kuin
Sau khi Ban Chỉ đạo thi công Dự án Hệ thống thoát nước trung tâm huyện Cư Kuin tiến hành bảo vệ thi công dự án vào ngày 21/4/2023, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến, quan điểm sai lệch, cố tình bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen, lợi dụng sự việc để gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và nhân dân.
Cụ thể, trong sáng 21/4/2023, Ban Chỉ đạo thi công dự án đã triển khai lực lượng bảo vệ thi công theo đúng quy trình, quy định. Mặc dù lực lượng chức năng đã thông báo phong toả khu vực bảo vệ thi công từ 13 giờ ngày 20/4/2023 (phong toả tuyến đường mòn ra cửa xả đổ ra hồ Ea Mtá có chiều dài khoảng 877,7m, chiều rộng khoảng 10m tại buôn Ea Mtá, xã Ea Bhốk) nhưng vẫn có hơn 100 người đồng bào dân tộc thiểu số trú tại một số thôn, buôn của xã Ea Bhốk mang theo theo cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu tập trung phản đối không cho lực lượng chức năng tiến vào khu vực thi công.
Dù đã được tuyên truyền, vận động, nhưng các hộ dân này vẫn không chấp hành giải tán mà tiếp tục la hét, dùng tay chân xô đẩy, ngăn cản lực lượng chức năng. Đáng nói, một số người dân còn sử dụng điện thoại quay phim, chụp ảnh, đăng tải, chia sẻ, phát trực tiếp lên mạng xã hội Facebook và đã bị một số đối tượng phản động ở nước ngoài thu thập, biên tập lại, đăng tải lên không gian mạng, xuyên tạc tình hình, với mục đích chống phá, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, làm sút giảm lòng tin của nhân dân với chính quyền, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Thi công hệ thống thoát nước trung tâm hành chính huyện Cư Kuin. |
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo thi công dự án, sự quyết tâm của các thành viên Ban Thực hiện thi công và các đơn vị liên quan, khoảng 8h sáng cùng ngày, đám đông đã được giải tán, toàn bộ mặt bằng được bàn giao cho các đơn vị nhà thầu tiến hành thi công đoạn tuyến theo kế hoạch đề ra. Trong quá trình giải tán, một số người dân có hành vi quá khích, kích động, chống đối khiến lực lượng chức năng phải dùng các biện pháp nghiệp vụ để khống chế, tạm giữ. Tại cơ quan chức năng, tất cả các trường hợp này sau khi được tuyên truyền, giải thích đã nhận ra hành vi của mình là sai trái, đồng thời thừa nhận do tâm lý lo lắng thái quá nên mới chống đối và cam kết sẽ không tái phạm.
Theo các cơ quan chức năng, hành vi ngăn cản, chống đối, đăng tải, chia sẻ thông tin, hình ảnh quá trình làm việc của cơ quan chức năng của người dân đã xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cá nhân, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, gây nguy cơ phát sinh bất ổn về trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, các hành vi trên có dấu hiệu vi phạm Điều 5, Nghị định 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ “Quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng”; Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”; Điều 99 và 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin giao dịch điện tử”; có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, chấp hành pháp luật; chấp hành các quy định khi đăng tải, chia sẻ thông tin, tài liệu trên không gian mạng; tuyệt đối không vì bức xúc cá nhân mà có hành vi chống đối, gây rối an ninh trật tự, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến xã hội và bản thân, gia đình.
Cùng với đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài, số đối tượng xấu tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ, kích động chống đối chính quyền, đẩy bà con vào vòng lao lý, từ đó phá hoại chính sách đoàn kết, xuyên tạc, vu cáo chống Đảng, Nhà nước.
Minh Minh
Ý kiến bạn đọc