Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Hiệu quả trong vận động nhân dân giao nộp vũ khí

08:36, 14/08/2023

Bằng nhiều biện pháp quyết liệt, Công an huyện Krông Búk đang triển khai hiệu quả công tác vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong nhân dân; qua đó, góp phần giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương.

Lâu nay, một bộ phận người dân trên địa bàn huyện Krông Búk vẫn còn có thói quen lưu giữ, sử dụng súng tự chế để săn bắn các loại động vật, bảo vệ mùa màng.

Trước tình trạng đó, Công an huyện Krông Búk đã tăng cường tuần tra, tập trung khảo sát nắm tình hình ở các địa bàn trọng điểm, lập danh sách những đối tượng có súng tự chế, gặp gỡ từng hộ gia đình vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Đồng thời phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong thôn, buôn để tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cũng như tính tự giác của người dân trong việc giao nộp các loại vũ khí cho chính quyền. Nhờ vậy, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ngày càng nâng lên rõ rệt.

Người dân xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) tự nguyện giao nộp vũ khí.

Ông Y.J.M. (tổ dân phố Ea Nur, thị trấn Pơng Drang)  từng sở hữu 4 khẩu súng cồn tự chế. Thấy việc sử dụng súng cồn khá đơn giản nên ông thường cất ở rẫy để thỉnh thoảng săn bắn và nghĩ đó là chuyện bình thường. Sau khi được Công an thị trấn Pơng Drang tuyên truyền, phân tích về tác hại của việc tàng trữ vũ khí trái phép, đầu tháng 7/2023 ông đã tự giác mang súng giao nộp.

Ông Y.J.M. cho biết, rất nhiều người lầm tưởng rằng súng tự chế không gây sát thương cao mà không biết mức độ nguy hiểm của nó. Mặt khác, người sử dụng súng tự chế để đi săn bắn chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính, nên tai nạn gặp phải là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh tuyên truyền, vận động, Công an huyện Krông Búk cũng đã triển khai mô hình “Điểm đổi gạo lấy vũ khí”. Với mô hình này, người dân có thể mang vũ khí đến đổi lấy gạo và các nhu yếu phẩm hằng ngày khác. Để thực hiện hiệu quả mô hình, Công an huyện đã bố trí điểm tiếp nhận vũ khí đồng loạt tại các thôn, buôn trên địa bàn nhằm tạo sự thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho người dân.

Người dân thị trấn Pơng Drang (huyện Krông Búk) đổi vũ khí lấy nhu yếu phẩm.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên từ đầu năm 2023 đến nay, Công an huyện Krông Búk đã thu hồi hơn 70 khẩu súng tự chế, 2 súng quân dụng, 20 vũ khí thô sơ, 120 viên đạn các loại…

Theo Thượng tá Nguyễn Trần Tuấn, Trưởng Công an huyện Krông Búk, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng hiện nay công tác vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do việc mua bán, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu gây nổ diễn biến ngày càng phức tạp. Ngoài sự nỗ lực của lực lượng công an, rất cần có sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò của quần chúng nhân dân để cùng giữ gìn ANTT trên địa bàn.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.