Multimedia Đọc Báo in

Giải cứu thành công hai mẹ con sau 5 năm bị bán sang Trung Quốc

17:20, 01/10/2023

Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh đang mở rộng điều tra và củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng Hoàng Thị Lên (SN 1985, trú xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) về hành vi buôn bán người.

Trước đó, ngày 15/9, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh nhận được đơn của chị P. trú tại huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) tố cáo đối tượng Hoàng Thị Lên có hành vi bán 2 mẹ con chị S (S là chị gái của P) sang Trung Quốc.

Đối tượng Hoàng Thị Lên bị dẫn giải lấy lời khai.
Đối tượng Hoàng Thị Lên tại cơ quan điều tra.

Theo nội dung đơn tố cáo, năm 2014, chị S (trú tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) lấy chồng về sinh sống tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp. Khoảng năm 2017, chị S quen Hoàng Thị Lên. Sau Tết Nguyên đán năm 2019, chị S nói với gia đình sẽ cùng con gái (thời điểm đó mới 1 tuổi) và Lên về tỉnh Cao Bằng thăm quê. Kể từ đó, gia đình mất liên lạc với S.

Tháng 8/2023, thông qua ứng dụng mạng xã hội Wechat, S liên lạc được với chị P và kể lại quá trình bị Lên lừa bán sang Trung Quốc làm vợ, thường xuyên bị đánh đập, bóc lột sức lao động.

Nhận được đơn, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh đã xác lập chuyên án điều tra. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 17/9, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh phối hợp với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh và Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai giải cứu thành công 2 mẹ con chị S đưa về Đắk Lắk đoàn tụ với gia đình.

Tại cơ quan Công an, Hoàng Thị Lên khai nhận, thông qua mạng xã hội Wechat, đã quen với một người phụ nữ tên Cơ sinh sống ở Trung Quốc. Đầu năm 2018, Cơ liên lạc với Lên và nói có một người đàn ông Trung Quốc muốn lấy vợ Việt Nam và nhờ Lên giới thiệu.

Sau đó, Lên đã dụ dỗ rồi đưa 2 mẹ con chị S lên xe khách ra tỉnh Cao Bằng, rồi đưa nạn nhân vượt biên bán cho một người đàn ông Trung Quốc lấy làm vợ với giá 4.000 nhân dân tệ (khoảng gần 14 triệu đồng).

Ở Trung Quốc chị S tiếp tục bị bán làm vợ qua nhiều người đàn ông khác và thường xuyên hứng chịu đòn roi, bóc lột sức lao động.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.