Multimedia Đọc Báo in

“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đối với lái xe vi phạm về nồng độ cồn

08:31, 03/10/2023

Chính phủ và các bộ, ngành, lực lượng chức năng xác định việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn là chuyên đề trọng tâm, xuyên suốt, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Tuy nhiên, thời gian qua, hành vi này vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn vẫn còn phổ biến.

Nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã thành lập 6 tổ công tác phối hợp với công an các địa phương triển khai kế hoạch tổng kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), tập trung vào chuyên đề xử lý người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn.

Theo đó, từ ngày 30/8/2023, các tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã triển khai ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai, Bến Tre, Đắk Lắk... Sau gần 1 tháng triển khai, các tổ đã trực tiếp kiểm soát trên 80.000 lượt phương tiện, phát hiện và bàn giao cho công an các đơn vị địa phương lập biên bản xử lý gần 2.900 trường hợp vi phạm TTATGT. Đáng chú ý, có trên 2.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, trong đó có hơn 100 trường hợp là công chức, viên chức, công an, bộ đội, nhà báo… và đã gửi thông báo vi phạm về cơ quan những cá nhân vi phạm.

Cán bộ Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Cục CSGT phối hợp với Công an tỉnh bố trí nhiều tổ công tác sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông trên các tuyến đường. Chỉ tính trong ba ngày 22, 23 và 25/9, các tổ công tác đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 139 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn, 2 trường hợp dương tính với chất ma túy trong lúc điều khiển phương tiện giao thông. Đáng chú ý, trong các trường hợp vi phạm có 6 cán bộ, đảng viên.

Vi phạm nồng độ cồn chiếm gần 24%

Từ đầu năm đến nay, mặc dù lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT, trong đó có chuyên đề về xử lý vi phạm nồng độ cồn. Kết quả, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 36.258 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có đến 8.650 trường hợp điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có rượu, bia (chiếm gần 23,9% tổng số vi phạm).

Qua những con số đó cho thấy, tình hình vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng người tham gia giao thông điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn. Hành vi này không chỉ là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) mà còn kéo theo nhiều hành vi khác như chống đối người thi hành công vụ.

Tại cuộc họp Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá, 9 tháng năm 2023, tình hình TTATGT trên phạm vi toàn quốc tiếp tục được bảo đảm, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn chưa được giải quyết, vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt, cá biệt có một số cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đã được lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh.

Cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện

Để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm TTATGT, ngăn chặn, giảm các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nhất là tai nạn liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới". Trong đó, Bộ Công an duy trì thường xuyên việc tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề, nhất là chuyên đề về kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện; công an các địa phương, đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tuyệt đối không chấp nhận sự can thiệp của các cá nhân, đơn vị vào quá trình xử lý vi phạm về TTATGT, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Trước đó, tại Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, với quan điểm xử lý các vi phạm về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.