Multimedia Đọc Báo in

“Mắt thần” bảo đảm an ninh trật tự ở Ea Pil

05:07, 18/12/2023

Xã Ea Pil (huyện M’Drắk) hiện có trên 1.900 hộ, hơn 7.400 nhân khẩu với 11 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 8 thôn, với tổng diện tích tự nhiên hơn 8.249 ha.

Do địa bàn rộng, giáp ranh với các xã Ea Tíh, Cư Prông, Ea Sô (huyện Ea Kar) và các xã Cư Prao, Krông Jing (huyện M’Drắk) nên tình hình an ninh trật tự, vi phạm pháp luật còn tiềm ẩn phức tạp.

Thiếu tá Nguyễn Sơn, Trưởng Công an xã Ea Pil cho biết, qua tìm hiểu các mô hình phòng, chống tội phạm, nhận thấy hệ thống camera an ninh ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả thiết thực nên Công an xã đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã Ea Pil triển khai xây dựng mô hình “Camera giám sát an ninh”.

Tháng 11/2021, được sự đồng ý của lãnh đạo Công an huyện M’Drắk, chính quyền địa phương và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, Công an xã Ea Pil đã ra mắt mô hình. Sau khi đưa vào hoạt động, hiện tại mô hình “Camera giám sát an ninh” của xã đã có hơn 200 mắt camera phục vụ cho công tác trích xuất, giám sát và cung cấp thông tin nhằm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong đó, UBND xã bố trí lắp đặt 4 mắt camera chính giám sát an ninh tại các tuyến đường huyết mạch gồm: khu vực cầu 70 giáp địa bàn xã Ea Tíh, huyện Ea Kar; khu vực ngã ba chợ tự phát Km73; khu vực ngã ba giữa Quốc lộ 26 với đường liên xã Ea Pil - Cư Prao; khu vực đường liên xã đi Cư Prông, huyện Ea Kar.

Các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đã lắp đặt 42 mắt camera phục vụ theo dõi tình hình an ninh; các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh thì lắp đặt khoảng 160 mắt camera và đã ký cam kết sẵn sàng cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng trong quá trình giải quyết các vụ việc khi có yêu cầu.

Công an xã Ea Pil theo dõi an ninh trật tự qua hệ thống camera từ trụ sở Công an xã.

Qua công tác quản lý và trích xuất camera, các “mắt thần” này đã trở thành "trợ thủ" đắc lực giúp lực lượng công an trên địa bàn đẩy nhanh quá trình điều tra, phá án; cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh đối tượng, phương tiện liên quan đến các vụ việc về an ninh trật tự, an toàn giao thông, gây rối trật tự công cộng… Đơn cử như vào ngày 21/4/2023, Công an xã Ea Pil tiếp nhận tin báo của chị Lưu Thị Hiền (ở thôn 2, xã Ea Pil) về việc mất cắp tài sản xảy ra tại Trường THCS Lý Tự Trọng. Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an xã Ea Pil đã phối hợp với Công an huyện M’Drắk triển khai các biện pháp nghiệp vụ và trích xuất các phương tiện camera an ninh. Đến ngày 22/4, lực lượng công an đã xác định nhóm đối tượng gồm Nguyễn Văn Huy (SN 2004), Trần Văn Chiến (SN 2005), cả hai cùng trú thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar và Lương Văn Thành (SN 2008, trú thôn 3, xã Ea Pil) đã thực hiện vụ trộm trên với số tiền gần 3 triệu đồng. Vụ việc đã được lực lượng chức năng giải quyết, xử lý theo quy định.

Người dân nấu cơm tiếp sức cán bộ, chiến sĩ Công an xã Ea Pil trong các đợt trực cao điểm về phòng, chống tội phạm.

Hay như vào khoảng 21 giờ ngày 17/6/2023, qua kiểm tra camera an ninh ở tại cầu 70 (khu vực giáp ranh xã Ea Tíh, huyện Ea Kar), Công an xã Ea Pil phát hiện một số đối tượng có biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành tiếp cận hiện trường.

Qua kiểm tra phát hiện bốn đối tượng, gồm Trần Văn Giới (SN 1990), Trần Văn Quyền (SN 1989), Hà Thanh Tuấn (SN 1993), cả ba cùng trú tại huyện Ea Kar và Đào Văn Tiến (SN 1995, trú quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong một căn nhà thuê thuộc thôn 10, xã Ea Pil nên đã yêu cầu bốn đối tượng về trụ sở để làm việc.

Qua làm việc, các đối tượng đã thừa nhận về hành vi của mình; Công an xã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện M’Drắk tiến hành test ma túy đối với bốn đối tượng và cho kết quả dương tính với methamphetamine (ma túy đá); hiện vụ việc đã được xử lý theo quy định.

Ông Vũ Văn Lương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Pil cho biết: Việc triển khai thực hiện mô hình “Camera giám sát an ninh”, cùng với các mô hình khác tại địa phương đã góp phần phòng, ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.