Multimedia Đọc Báo in

Triệt phá nhóm đối tượng khai thác vàng trái phép

08:13, 25/03/2024

Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh đang tiếp tục mở rộng điều tra để củng cố hồ sơ xử lý nhóm 11 đối tượng có liên quan đến vụ việc khai thác vàng trái phép vừa được triệt phá thành công.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh phát hiện một nhóm người đang khai thác vàng trái phép trong khu vực rừng sâu thuộc địa bàn thôn 10 (xã Ea M’đoal, huyện M’Drắk). Nhận định đây là vụ việc có yếu tố phức tạp, Phòng Cảnh sát kinh tế nhanh chóng báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo, triển khai các lực lượng khẩn trương đến hiện trường xác minh.

Đây là khu vực xa khu dân cư với địa hình đồi núi hẻo lánh, giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk với Phú Yên, cách trung tâm xã Ea M’đoal hàng chục ki-lô-mét. Băng qua những triền đồi, sườn dốc trơn trượt, lực lượng trinh sát phải ngụy trang nhằm tránh sự phát hiện của các “chim mồi”, rồi đi bộ nhiều giờ vòng qua lối mòn trong rừng mới đến được khu vực mà các đối tượng đang đào vàng.

Một hố sâu trong rừng do các đối tượng đào lấy quặng vàng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tuân, Đội trưởng Đội đấu tranh án kinh tế buôn lậu - môi trường (Phòng Cảnh sát kinh tế) nhớ lại: "Hiện trường khi chúng tôi tiếp cận là cả một diện tích lớn đất chân đồi bị đào xới nham nhở với những hố sâu hoắm. Hơn chục người đàn ông đang xay đá, tuyển vàng; nhóm khác thì điều khiển máy múc đào đất đưa vào máy đãi… Để tiếp cận được hiện trường, Đội trinh sát đã mật phục suốt đêm ở mỏm đồi phía trên cao để quan sát, ghi hình lại toàn bộ quá trình khai thác vàng trái phép của nhóm đối tượng để làm căn cứ xử lý”.

Không dễ để tiếp cận với nhóm “vàng tặc” ở đây bởi họ luôn luôn cắt cử người canh gác đánh động. Mỗi khi có tiếng xe máy, hoặc bóng dáng người lạ đi qua, lập tức các máy móc tắt phụt, những người đào vàng tản ra khu vực rừng, rẫy xung quanh. Người có trách nhiệm canh gác thì ra tận nơi tìm hiểu xem người lạ là ai, dừng lại làm gì... Quá trình mật phục các trinh sát gần như phải nằm bất động, bởi chỉ cần nhấp nhổm bóng người cũng dễ bị “chim mồi” phát hiện đánh động.

Trung tá Nguyễn Đức Duy, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh cho biết thêm, vị trí mà các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép nói trên là trong khu vực đồi núi hiểm trở, hẻo lánh, một bên rừng, bên là suối, xa khu dân cư, nhóm khai thác vàng trái phép tập trung đông người. Nếu quá trình triển khai lực lượng để truy bắt không có phương án cụ thể, chuẩn bị lực lượng chu đáo, dự đoán các tình huống có thể phát sinh thì rất dễ xảy ra tình huống bất lợi trong hoạt động triệt phá, các đối tượng chống trả hoặc để các đối tượng tẩu thoát.

Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép.

Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Công an tỉnh, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, khoảng 5 giờ 10 ngày 13/3/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động và Công an huyện M’Drắk đồng loạt bao vây, bắt quả tang 11 đối tượng đang tổ chức khai thác vàng trái phép gồm: V.M.Đ. (SN 1967), V.M.Ph. (SN 1993), Ph.Đ.Q. (SN 1981), V.Đ.H. (SN 1990), V.Đ.V. (SN 1986), V.Đ.Ph. (SN 1991), V.Đ.V. (SN 1989), cùng trú xã Trung Đông (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định); N.Đ.T. (SN 1988, trú xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An); L.Q.V. (SN 1991), B.D.N. (SN 1992), cùng trú thị trấn M’Drắk (huyện M’Drắk); L.C.S. (SN 1961, trú xã Cư Yang, huyện Ea Kar). Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ toàn bộ máy móc, tang vật liên quan đến hành vi vi phạm.

Trung tá Nguyễn Đức Duy nhấn mạnh: "Trong số rất nhiều vụ việc khai thác khoáng sản trái phép đã được Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện, xử lý thời gian qua thì đây là vụ "vàng tặc" đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đấu tranh, quyết liệt xử lý nghiêm với hành vi khai thác khoáng sản trái phép”.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.