Multimedia Đọc Báo in

Bộ Tư pháp: Tập trung kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản pháp luật

14:05, 10/07/2024

Sáng 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội nghị. 

Trong 6 tháng đầu năm 2024 Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 113 nhiệm vụ, trong đó, đã hoàn thành 104 nhiệm vụ có thời hạn, đang tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ không có thời hạn; không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Tiếp nhận, trả lời 328 kiến nghị, đề xuất, đề nghị hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương....

Các địa phương đã tiếp nhận, phân loại và kiểm tra theo thẩm quyền 2.087 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 305.128 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 24 triệu lượt người; tổ chức 4.154 cuộc thi với khoảng 4 triệu lượt người dự thi; phát hơn 22 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật...


Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình)

Tại hội nghị, đại biểu đã được đại diện lãnh đạo các ban, ngành báo cáo về các chuyên đề: “Kết quả thi hành án 9 tháng đầu năm 2024, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện”; “Chuẩn bị các điều kiện cần thiết thi hành Luật Đấu giá tài sản”; thảo luận về công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục và tổ chức thi hành pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; thi hành án dân sự; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; việc triển khai thực hiện Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ...

A
Đại biểu tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk

Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành Tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu, ngành Tư Pháp cần tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; triển khai hiệu quả pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, chú trọng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp, đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế...

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc