Multimedia Đọc Báo in

“Cánh tay nối dài” bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở

08:37, 10/07/2024

Đến nay, Đắk Lắk đã cơ bản củng cố, kiện toàn xong 2.199 tổ bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở các thôn, buôn, tổ dân phố. Đây sẽ là “cánh tay nối dài”, hỗ trợ đắc lực cho cấp ủy, chính quyền, công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở.

Phát huy hiệu quả “tai mắt” của buôn làng

Những năm trước, mỗi thôn, buôn của xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar) đều có một tổ an ninh tự quản (từ 5 - 6 thành viên dân phòng) do người dân bầu ra, phối hợp với công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ ANTT cơ sở. Tuy nhiên, từ năm 2021, công an chính quy về quản lý địa bàn, UBND xã không bố trí được kinh phí hỗ trợ cho thành viên dân phòng nên các tổ này tự giải thể.

Theo ông Y Ngoal Mlô (trú buôn Blă, xã Cư Dliê M’nông), khi có quyết định thành lập tổ ANTT ở buôn, bà con rất phấn khởi. Đây là lực lượng trong dân nên sẽ được bà con nhiệt tình hỗ trợ, phối hợp bảo vệ ANTT ở cơ sở. Tin tưởng rằng lực lượng này sẽ thường xuyên sâu sát địa bàn, phối hợp với công an xã dẹp được nạn trộm cắp; kiểm soát, kéo giảm các loại tệ nạn xã hội…

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở biểu diễn nội dung phối hợp với công an xử lý các hành vi vi phạm pháp luật tại lễ ra mắt lực lượng.

Tại xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo), với đặc thù là địa bàn rộng, đa thành phần dân tộc, tôn giáo (tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số chiếm trên 50%) nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Vì vậy, nhiều năm qua xã vẫn duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng và công an viên bán chuyên trách ở thôn, buôn.

Theo ông Lê Bá Vũ, Chủ tịch UBND xã Dliê Yang, trước đây các quy định về tổ chức, hoạt động, chức năng của hai lực lượng này được đề cập ở nhiều văn bản khác nhau, không thống nhất, thiếu chặt chẽ; thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng còn chồng chéo, chưa thực sự phân định rõ ràng; điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu cả về số lượng và chất lượng; chế độ chính sách còn thấp và nhiều bất cập… Điều đó gây khó khăn trong công tác lãnh đạo, quản lý, duy trì, củng cố và phát huy vai trò của các tổ an ninh tự quản.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở ra đời đã khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trên, là cơ sở để địa phương sắp xếp, bố trí lực lượng theo hướng thống nhất, tinh gọn đầu mối, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Đây được xem là “tai mắt” của buôn làng, bởi họ là lực lượng tại chỗ, thông thuộc địa bàn, hiểu rõ phong tục, tập quán cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra "điểm nóng", phức tạp về ANTT.

Sẵn sàng cho những trọng trách

Những ngày qua, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đánh dấu sự ra đời của một lực lượng mới do chính quyền địa phương thành lập, trên cơ sở tự nguyện của người dân. Theo ghi nhận, sau lễ ra mắt, thành viên các tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở đều rất phấn khởi và đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Là một trong những người được chọn vào lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, với anh Y Yược H’Druế (Tổ phó Tổ bảo vệ ANTT buôn K62, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana) thì đây không phải là nhiệm vụ mới bởi nhiều năm qua anh cũng là thành viên tổ an ninh tự quản của buôn. Nay được người dân và chính quyền địa phương tin tưởng lựa chọn, anh cảm thấy rất vinh dự và tự hào. “Đây là động lực giúp tôi tiếp tục cố gắng cùng với cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo vệ ANTT trên địa bàn” - anh Y Yược bộc bạch.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở xã Cư Êbur đến nhà trò chuyện, nắm bắt tâm tư của người dân.

Cùng chung tâm trạng vui mừng, ông Trịnh Văn Mười (Tổ trưởng Tổ bảo vệ ANTT buôn Đung, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Khi tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, chúng tôi được hỗ trợ về trang phục, phương tiện, thiết bị và có các chế độ, chính sách như kinh phí hằng tháng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Chúng tôi đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hứa sẽ quyết tâm tu dưỡng, nâng cao bản lĩnh, hiểu biết pháp luật, trau dồi nghiệp vụ, không ngại khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao”.

Sau khi đi vào hoạt động, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được coi là “cánh tay nối dài” của công an cấp xã trong công tác nắm tình hình về ANTT; xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.

Đại úy Mai Ngọc Anh, Phó Trưởng Công an xã Cư Êbur cho biết, có lực lượng này, Công an xã yên tâm hơn trong công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn. Để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, các thành viên tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ được tham gia tập huấn bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, diễn tập; đồng thời, được trang bị đầy đủ kiến thức về 6 nhiệm vụ trọng tâm theo quy định của luật.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.