Multimedia Đọc Báo in

Gần 2 ha rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý bị chặt phá

14:51, 25/09/2024

Thời gian gần đây, một số diện tích rừng thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý bị chặt phá, gây thiệt hại tài nguyên rừng.

Qua kiểm tra của Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar và chủ rừng, phát hiện hai điểm phá rừng, các cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Đo đếm sơ bộ cho thấy, diện tích bị thiệt hại 1,78 ha, với trữ lượng gỗ khoảng từ 85 – 90 m3 gỗ tròn.

Cụ thể, vị trí thứ nhất có diện tích thiệt hại 1,46 ha (thuộc lô 12, 13, khoảnh 1, tiểu khu 702), do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý. Hiện trạng là rừng tự nhiên núi đất rộng thường xanh nghèo kiệt; chức năng là rừng sản xuất; khối lượng gỗ bị thiệt hại 80 – 85 m3, chưa xác định được chủng loại và nhóm gỗ.

Tại khu vực này, ngày 13/8/2024, kiểm lâm địa bàn xã Cư Bông phối hợp với phân trường 4 của công ty kiểm tra đã phát hiện bị phát luống (phát thực bì, lau lách), không tác động đến cây rừng. Cơ quan chức năng đã yêu cầu công ty lập biên bản về hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp, cử người kiểm tra, mật phục để ngăn chặn phá rừng, nhưng công ty chưa làm tròn nhiệm vụ nên để xảy ra phá rừng.

Một vị trí rừng bị chặt phá
Một vị trí rừng bị chặt phá

Vị trí thứ hai thuộc lô 8, khoảnh 1, tiểu khu 702, hiện trường là cây rừng bị chặt hạ ngổn ngang, đường kính cây 12 – 60 cm, chiều dài 2 – 16 m. Khối lượng gỗ bị thiệt hại khoảng 5 m3 gỗ tròn, chưa xác định được chủng loại và nhóm gỗ.

Hạt Kiểm lâm Ea Kar đã giao cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar thực hiện trông coi, bảo quản tang vật. Đồng thời, tiến hành đo đếm khối lượng gỗ thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ, mời các cơ quan gồm Công an huyện, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện để tổ chức khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định, xử lý các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo huyện Ea Kar và các cơ quan chức năng, chuyên môn cũng đã tiến hành kiểm tra hiện trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện để tiến hành xử lý các vụ việc.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.