Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với hành vi giả danh cán bộ quân đội để lừa đảo

08:10, 19/12/2024

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh liên tiếp xuất hiện các đối tượng giả danh cán bộ quân đội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong dư luận.

Tháng 11 vừa qua, chị M.,  chủ một vựa trái cây lớn trên địa bàn phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ quân đội đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự TP. Buôn Ma Thuột cần đặt mua 100 kg dưa hấu. Đối tượng này còn gửi định vị nơi “đơn vị” đóng quân, gửi thêm giấy tờ cá nhân để tạo lòng tin đối với chị M. Đối tượng còn lấy thông tin người giao hàng từ phía chị M. để làm “Giấy ra vào cổng”.

Tin nhắn giả danh cán bộ hậu cần của Ban Chỉ huy Quân sự TP. Buôn Ma Thuột để lừa đảo.

Trưa hôm sau, người này đã gửi hình nhãn hiệu hộp gà, nhờ chị M. liên hệ mua giúp, hứa sẽ gửi lại tiền cùng đơn hàng dưa hấu. Chị M. tin tưởng đối tượng, tìm hỏi khắp nơi, nhưng không có sản phẩm như yêu cầu. Lúc này, Nguyễn Tuấn Anh đã chụp hóa đơn từng mua hộp gà tại “Siêu thị Home Farm” cho chị M., rồi nhờ chị gọi đặt hàng theo thông tin trên hóa đơn. Chị M. liên hệ phía công ty bán hộp gà và được yêu cầu chuyển khoản trước 50% giá trị đơn hàng (tương đương 30 triệu đồng). Chị M. đã liên hệ thông tin lại với Nguyễn Tuấn Anh về yêu cầu chuyển khoản đặt hàng trên thì đối tượng giả danh lấy lý do “quân đội không cho phép chuyển khoản, chỉ trao đổi bằng tiền mặt” và nhờ chị M. đặt hàng và chuyển khoản giúp cùng lời hứa sẽ gửi lại bằng tiền mặt khi nhận hàng. Tin lời đối tượng, chị M. liền chuyển khoản và bị lừa mất 30 triệu đồng…

Sự việc tương tự cũng vừa xảy ra tại huyện Cư M’gar. Đối tượng giả danh cán bộ quân đội, tự xưng Võ Đức Đại, công tác tại ngành Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk. Đối tượng gọi cho chị B.T.B.N. (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) thông tin "đơn vị" cần mua 90 kg thịt, giao trong chiều 28/11/2024; đồng thời làm "Giấy ra vào cổng" để chị N. thuận tiện vào doanh trại quân đội giao hàng.

Trước giờ giao hàng, Võ Đức Đại gọi lại cho chị N. nhờ chị lấy thêm mặt hàng xúc xích theo đúng nhãn mác, chủng loại yêu cầu. Khi chị N. tìm không được sản phẩm, Đại liền cho địa chỉ, rồi hối thúc chị N. mua giúp. Khi chị N. liên hệ, thì phía bên kia yêu cầu chị chuyển khoản 100% giá trị mặt hàng xúc xích mới giao hàng. Thấy bất thường, chị N. đã liên hệ bạn bè đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar để xác nhận thông tin thì biết mình đang bị lừa…

Thượng tá Mai Văn Khuê, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự TP. Buôn Ma Thuột cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị tiếp nhận khá nhiều vụ việc liên quan đến việc giả danh cán bộ đơn vị để đặt hàng rồi lừa đảo. Có trường hợp bị lừa từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Có trường hợp khi chuyển hàng hóa đến Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, gọi không có người ra nhận mới biết bị lừa.

Đối tượng làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hầu hết các vụ việc cho thấy, phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là sử dụng con dấu, tài liệu giả của các đơn vị trong quân đội; thường đăng tải hình ảnh quân nhân trên trang zalo, facebook, làm giả các loại giấy tờ để tạo niềm tin. Các đối tượng thường đặt mua gấp các mặt hàng khác mà cơ sở kinh doanh không có để hối thúc, dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền, rồi chiếm đoạt tài sản.

Để ngăn chặn tình trạng trên, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh đã thường xuyên tuyên truyền, đăng tải trên mạng xã hội, đẩy mạnh thông tin, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân biết các thủ đoạn của đối tượng lừa đảo.

Đại tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẳng định: Việc mua sắm các mặt hàng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và công tác cho các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang phải thực hiện theo đúng quy định nghiêm ngặt của Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Đối với các mặt hàng cần mua sắm, phải xây dựng kế hoạch, có hợp đồng, trực tiếp cử cán bộ đến cửa hàng, doanh nghiệp để ký hợp đồng mua sắm. Các đối tượng giả danh cán bộ quân đội nhằm chiếm đoạt tài sản qua hình thức đặt hàng hộ là vi phạm pháp luật. Vì vậy, doanh nghiệp, người dân, tổ chức hết sức cảnh giác, xác nhận thật kỹ thông tin trước khi giao dịch. Khi thấy nghi vấn, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nhiều vấn đề thiết thực được thanh niên kiến nghị với lãnh đạo UBND tỉnh
Sáng 18/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với thanh niên năm 2024 về chủ đề “Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao trong thanh niên tỉnh Đắk Lắk giai đoạn hiện nay”.