Cho mượn đất làm ăn rồi bị chiếm đoạt?!
Báo Đắk Lắk nhận được đơn khiếu nại của ông Đinh Văn Hoành (SN 1948, trú phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) về việc gia đình ông bị người khác chiếm giữ đất trái phép sau khi cho mượn để làm ăn. Đây là một vụ tranh chấp đất đai kéo dài, gây ra nhiều tranh cãi và chưa có lời giải thỏa đáng.
Theo đơn trình bày, năm 1992, gia đình ông Hoành được UBND huyện Cư M’gar giao 9,8 ha đất để làm kinh tế vườn tại buôn Đrai Si (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar). Đến ngày 10/5/1994, ông Hoành được UBND huyện Cư M’gar cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với toàn bộ diện tích đất này.
Trên cơ sở có đất, từ năm 1993 ông Hoành đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk để vay vốn đầu tư trồng cao su trên diện tích 9 ha đất. Thời hạn chu kỳ kinh tế là 32 năm, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản (đến năm 2000), công ty cấp vốn 70% theo tổng định mức đầu tư, ông Hoành góp đất để liên kết và góp 30% vốn còn lại; giai đoạn kinh doanh (từ năm 2001), ông Hoành khai thác mủ cao su để trả nợ cho công ty, phần thu vượt khoản nợ đầu tư thì ông Hoành được hưởng.
![]() |
Ông Đinh Văn Hoành (bên phải) tại thửa đất đang bị tranh chấp. |
Do nhà neo người, không đủ sức quản lý hết diện tích cao su, ông Hoành đã ký giấy cam kết hợp tác kinh tế làm cao su với ông Nguyễn Thế Tuyền (SN 1959, trú TP. Buôn Ma Thuột) vào ngày 27/5/1994. Theo đó, ông Tuyền quản lý, đầu tư và khai thác 50% diện tích cao su - tức khoảng 4,9 ha (thực tế đo đạc là 4 ha); ông Tuyền cũng trả 5 chỉ vàng để bù đắp chi phí mà ông Hoành đã bỏ ra để đào hố, làm hàng rào... trước đó. Trong giấy cam kết không có bất kỳ nội dung nào đề cập đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Cũng trong năm 1994, ông Tuyền đã giao diện tích vườn cao su nhận khoán với ông Hoành cho người thân là vợ chồng ông Trương Quang Vinh và bà Hà Thị Huê đến ở và chăm sóc vườn cây. Vào năm 2002, ông Vinh xin phép ông Hoành xây nhà kiên cố trên đất để tiện bề chăm sóc cao su và được đồng ý. Ông Hoành cũng hứa sau này sẽ bán 1 ha cao su cho vợ chồng ông Vinh với giá ưu đãi.
Đến tháng 10/2017, ông Hoành nhận 60 triệu đồng từ ông Vinh để làm thủ tục sang tên cho 1 ha đất mà trước đó ông đã hứa bán. Thế nhưng, khi ông yêu cầu trả lại diện tích đất còn lại (khoảng 3 ha) thì ông Vinh từ chối và cho rằng số tiền 60 triệu đồng ông đưa là để làm thủ tục sang tên cho toàn bộ diện tích đất mà vợ chồng ông ở và đang canh tác.
![]() |
Ông Đinh Văn Hoành (bên phải) phản ánh nội dung khiếu nại. |
Bất ngờ với việc bị chiếm đoạt đất, ngày 2/1/2018, ông Hoành làm đơn khởi kiện yêu cầu ông Tuyền thanh lý hợp đồng hợp tác kinh tế theo giấy cam kết lập ngày 27/5/1994 và trả lại toàn bộ diện tích cao su cho ông Hoành.
Vào năm 2022, TAND huyện Cư M’gar và TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án ra xét xử, đồng thời yêu cầu vợ chồng ông Vinh trả lại 3 ha đất cho ông Hoành; yêu cầu ông Hoành thực hiện chuyển nhượng 1 ha đất cho ông Vinh theo thỏa thuận trước đó. Tuy nhiên, khi vụ việc đưa ra TAND cấp cao Đà Nẵng thì Hội đồng xét xử tuyên hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm, yêu cầu xét xử lại với lý do các bản án trên có nhiều tình tiết chưa hợp lý.
Mới đây, vào tháng 1/2025, TAND huyện Cư M’gar đã xét xử lại vụ án và ra quyết định không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Hoành. Tòa án cho rằng hợp đồng hợp tác kinh tế giữa ông Hoành và ông Tuyền là vô hiệu, đồng thời yêu cầu ông Hoành phải sang nhượng toàn bộ 4 ha đất và tài sản trên đất cho ông Vinh.
Ông Hoành cho rằng việc TAND cấp cao Đà Nẵng yêu cầu hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm là vô lý, vì tòa chưa xét đến đầy đủ các chứng cứ và thông tin hồ sơ mà chỉ dựa vào lời khai của một phía là vợ chồng ông Trương Quang Vinh. Ông cũng khẳng định rằng các bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đó là đúng, bởi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoàn toàn đứng tên ông, và không có bất kỳ thỏa thuận chuyển nhượng đất nào trong hợp đồng hợp tác giữa ông và ông Tuyền.
Trao đổi về vấn đề này, theo luật sư Lê Xuân Anh Phú, Công ty Luật TNHH MTV Thành công và Cộng sự (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk), bản chất vụ việc là quan hệ hợp tác kinh tế đơn thuần. Giấy cam kết năm 1994 ghi rõ: 5 chỉ vàng ông Tuyền đưa chỉ để bù chi phí đầu tư ban đầu (đào hố, làm hàng rào) của ông Hoành trong năm 1993, không phải là tiền sang nhượng đất. Không có bất kỳ hợp đồng chuyển nhượng, mua bán nào được lập. Việc vợ chồng ông Vinh sau đó sử dụng đất là do ông Tuyền bàn giao, hoàn toàn không có giá trị pháp lý làm thay đổi quyền sở hữu đất của ông Hoành.
Về mặt định giá, 4 ha đất tại xã Ea Tar năm 1994 có giá khoảng 240 - 260 triệu đồng, không thể quy đổi bằng 5 chỉ vàng (chỉ khoảng 20 triệu đồng). Do đó, việc cho rằng ông Hoành đã “chuyển nhượng ngầm” toàn bộ diện tích 4 ha là thiếu cơ sở thực tiễn và pháp lý.
Việc TAND cấp cao Đà Nẵng và sau đó là TAND huyện Cư M’gar áp dụng tiểu mục 2.3, mục 2, phần II của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP để làm căn cứ cho rằng giấy cam kết hợp tác kinh tế làm cao su giữa ông Hoành và ông Tuyền vô hiệu là không phù hợp. Nghị quyết này chỉ áp dụng với đất chưa xác định được chủ sở hữu. Trong trường hợp này, toàn bộ diện tích đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên ông Hoành - là tài sản hợp pháp, không tranh chấp chủ quyền.
Điểm gây tranh cãi nữa là khoản tiền 60 triệu đồng ông Vinh đưa năm 2017. Việc chưa xác minh làm rõ mục đích giao dịch khiến việc đánh giá bản chất quan hệ dân sự bị sai lệch.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc