Multimedia Đọc Báo in

Hành trình truy bắt đối tượng bị truy nã

08:21, 15/03/2024

Sau hơn một năm điều tra các manh mối, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, xuyên các tỉnh thành lần theo dấu vết, Công an huyện Cư Kuin cùng lực lượng chức năng Công an tỉnh đã bắt giữ được đối tượng truy nã về hành vi giết người.

 

Ngày 30/1/2023, tại xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) đã xảy ra vụ việc một nam thanh niên cầm hai con dao đến nhà chém chị H. (SN 1981) và em trai chị này, gây thương tích nặng phải nhập viện cấp cứu. Gây án xong, đối tượng cầm hung khí rời khỏi hiện trường.

Trung tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng Công an huyện Cư Kuin cho biết, quá trình điều tra đã xác định hung thủ chính là Lê Văn Thiện (SN 1989, trú xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Thiện sống lang thang nay đây mai đó, không có nghề nghiệp ổn định.

Năm 2017, đối tượng từ Nghệ An vào Đắk Lắk và đến ở nhờ nhà một người quen tại xã Ea Tiêu (gần nhà chị H.). Quá trình sinh sống, giữa Thiện và chị H. có xảy ra nhiều mâu thuẫn, hiềm khích. Từ đó, Thiện đã nảy sinh ý định giết chị H. để trả thù.

Công an huyện Cư Kuin đã ra quyết định khởi tố vụ án, khỏi tố bị can Lê Văn Thiện về hành vi giết người. Tuy nhiên, sau gây án, Thiện đã bỏ trốn khỏi địa phương, Công an huyện ra quyết định truy nã toàn quốc đối tượng này.

Ngày 11/1/2024, Thiện liều lĩnh quay lại Đắk Lắk, cầm súng xông vào nhà chị H. Khi thấy chị H. trong sân, Thiện bắn hai phát sượt ngoài da nạn nhân, gây thương tích nhẹ. Chị H. chạy vào nhà khóa trái cửa. Thiện không vào được nên cầm súng nhanh chóng rời khỏi hiện trường.

Công an huyện Cư Kuin họp bàn phương án truy bắt đối tượng Lê Văn Thiện.

Theo Trung tá Nguyễn Đình Hưng, sau khi xảy ra vụ nổ súng, Công an huyện Cư Kuin xác định, Thiện rất có khả năng sẽ tiếp tục quay lại gây án nên một mặt cử người bảo vệ nghiêm ngặt cho gia đình nạn nhân, mặt khác tổ chức lực lượng truy bắt đối tượng.

Lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự, điều tra tổng hợp phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh lần theo các dấu vết, tiếp tục truy bắt bằng được đối tượng này.

Quá trình điều tra, truy xét gặp rất nhiều khó khăn vì đối tượng liên tục thay đổi địa điểm, lẩn trốn đến nhiều tỉnh thành trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, với quyết tâm truy bắt bằng được Thiện về quy án, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Cư Kuin đã khắc phục mọi khó khăn, tích cực phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh tầm nã đối tượng.

Tối 10/3, nhận được mật báo Thiện đang lẩn trốn tại xã Tân Thành (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), Công an huyện Cư Kuin phối hợp với lực lượng Công an tỉnh nhanh chóng lên kế hoạch bắt giữ đối tượng. Từ nguồn tin nắm bắt, các tổ trinh sát đã tìm ra khu vực nghi ngờ Thiện đang ẩn náu.

Xác định đối tượng này rất manh động và liều lĩnh, có thể sử dụng vũ khí "nóng" để chống lại lực lượng chức năng, lãnh đạo Công an huyện Cư Kuin đã thường xuyên điện đàm trao đổi với các tổ truy bắt để nắm tình hình; cùng tính toán kỹ lưỡng, chính xác và dự báo các tình huống có thể phát sinh để chủ động triển khai phương án bắt giữ.

Mục đích cao nhất là phải bắt được đối tượng, song cũng phải bảo đảm an toàn cho lực lượng truy bắt, không để ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân.

Đối tượng Lê Văn Thiện tại cơ quan điều tra.

Khoanh vùng truy xét, xác định Thiện đang trốn trong một chòi canh rẫy của người dân tại xã Tân Thành, tổ công tác liền tiến hành vây ráp, theo dõi. Để tránh “rút dây động rừng”, các trinh sát đã mai phục xung quanh căn nhà rẫy; chia nhiều mũi hành động, từ tấn công cửa chính, chốt chặn cửa sổ và bao vây vòng ngoài bìa rẫy, hòng trấn áp đối tượng khi tẩu thoát.

Đến khoảng 20 giờ ngày 10/3, khi thấy Thiện ở trong chòi một mình, không phòng bị, tổ công tác liền ập vào khống chế, bắt giữ thành công đối tượng, thu giữ một khẩu súng Rulo (thường gọi là súng lục), 5 viên đạn và 2 cây dao rựa.

 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.