Nỗi lo tai nạn giao thông học đường (kỳ 2)
Kỳ 2: Hiểm nguy rình rập
Trên những chiếc xe đạp điện, xe máy điện và xe gắn máy (dưới 50 phân khối), nhiều em đầu không đội mũ bảo hiểm (MBH), "kẹp ba", dàn hàng ngang, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách... trên đường. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).
Nhan nhản vi phạm
Quan sát trên các tuyến đường giao thông, từ nông thôn đến thành thị, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh đầu trần điều khiển xe đạp điện, xe máy điện và và xe gắn máy dưới 50 phân khối.
Trên tuyến đường Chu Văn An (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) – nơi có Trường THPT Krông Ana và Trường THCS Buôn Trấp đứng chân, vào giờ tan học, rất nhiều học sinh mặc áo đồng phục điều khiển xe đạp điện, xe máy điện và xe gắn máy lao vun vút, hầu hết các em (cả người điều khiển phương tiện và người ngồi sau) không đội MBH. Khi đến điểm giao nhau tại các giao lộ, các em vô tư tạt ngang, tạt dọc mà ít khi quan sát trước sau, thậm chí không bật tín hiệu đèn xi nhan để qua đường. Một số trường hợp còn "kẹp ba", chạy lạng lách, đánh võng, trêu đùa khi đang tham gia giao thông.
Xe "kẹp ba", người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: Hoàng Hồng |
Theo thiếu tá Trần Doãn Hùng, Phó Trưởng Công an xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana), hiện nay không chỉ ở khu vực đô thị mà ngay cả vùng nông thôn số lượng học sinh sử dụng phương tiện cá nhân như xe đạp điện, xe máy điện và xe gắn máy để tham gia giao thông đang ngày càng tăng cao. Theo quy định, trẻ em đủ 16 tuổi được phép sử dụng phương tiện dưới 50 phân khối mà không cần bằng lái xe; với xe đạp điện thì không có quy định về độ tuổi sử dụng. Trong đó, hệ thống phanh của phương tiện chỉ bảo đảm an toàn với vận tốc tối đa 25 km/giờ, nhưng nhiều em chạy với tốc độ cao hơn, nguy cơ cũng như hậu quả khi xảy ra tai nạn của những loại phương tiện này sẽ không kém gì xe máy phân khối lớn.
Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2023, lực lượng chức năng trên phạm vi toàn quốc đã phát hiện, lập biên bản 64.446 trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, lỗi vi phạm diễn ra phổ biến nhất như: không đội MBH (27.656 trường hợp, chiếm 42,9%); không có giấy phép lái xe (4.755 trường hợp, chiếm 7,38%); vi phạm tốc độ (5.261 trường hợp, chiếm 8,16%); vi phạm về nồng độ cồn (2.835 trường hợp, chiếm 4,4 %)…
Lỗi từ... phụ huynh
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tai nạn và vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh tăng cao và diễn biến phức tạp. Trong đó, nhiều vụ việc liên quan đến lỗi do phụ huynh gián tiếp gây ra như chưa nêu gương trong chấp hành nghiêm các quy định về trật tự, an toàn giao thông khi tham gia giao thông, nhất là khi chở con em mình trên xe, dẫn tới làm ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức và hành vi của các em.
Theo quy định của pháp luật, trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe máy, thế nhưng rất ít phụ huynh thực hiện nghiêm quy định này. Qua ghi nhận tại các điểm trường, nhiều phụ huynh đi xe máy nhưng không đội MBH cho con, di chuyển xe đi ngược chiều, thậm chí vượt đèn đỏ... Những hành vi kể trên tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất lớn và là tác nhân dẫn tới hình thành thói quen xấu cho trẻ sau này. Đáng chú ý, thời gian qua có tình trạng một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái, để con điều khiển các loại phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa qua học và sát hạch lái xe theo quy định.
Học sinh buông một tay điều khiển phương tiện, vừa trêu đùa khi đang tham gia giao thông. Ảnh: Hoàng Hồng |
Qua thống kê, 10 tháng năm 2023 toàn quốc có hơn 71% vụ TNGT liên quan đến học sinh là do điều khiển xe mô tô trên 50 phân khối, đây là hệ quả của việc cha mẹ giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định. Trong số hơn 64.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản, có đến 30.673 trường hợp (chiếm 47,59%) chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.
Tại tỉnh Đắk Lắk, cùng thời gian này, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 912 trường hợp thanh thiếu niên điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi.
Liên quan đến lỗi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, gây tai nạn giao thông, cuối tháng 11/2023, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Trần Hoàng Việt (SN 2005, ngụ xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Vụ TNGT xảy ra vào ngày 7/9/2022, N.A.T. (SN 2006) mượn xe máy của Trần Hoàng Việt để chở bạn đi học. Biết T. chưa đủ tuổi điều khiển xe máy và không có giấy phép lái xe nhưng Việt vẫn đồng ý giao xe. Khi lưu thông tại đoạn giao lộ đường Phan Bội Châu với Đoàn Doãn Định, xe của T. va chạm với xe đạp điện do P.H.P. (SN 2010) điều khiển, chở theo chị gái là P.T.N.U. (SN 2009) lưu thông hướng ngược lại. Hậu quả, U. thương tích 97%.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Cần siết chặt pháp luật giao thông
Hoàng Tuyết - Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc