Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng khi cho con trẻ điều khiển xe đạp điện

08:30, 17/07/2024

Mới đây, những người lưu thông qua ngã tư đường Hà Huy Tập và đường Lê Thị Hồng Gấm (TP. Buôn Ma Thuột) bị một phen hú vía khi hỗ trợ đưa một em nhỏ đi xe đạp điện vào bệnh viện cấp cứu sau tai nạn giao thông.

Được biết em nhỏ này vừa học hết cấp I, cha mẹ đưa em đi chọn mua một chiếc xe đạp điện để tự đến trường vào năm học mới. Mua xe xong, em tự điều khiển chiếc xe đạp điện từ cửa hàng về nhà, còn cha mẹ em thì điều khiển ô tô đi theo sát phía sau. Khi đến đoạn giao nhau giữa đường Lê Thị Hồng Gấm và đường Hà Huy Tập, thay vì dừng đèn đỏ, em nhỏ đã lái xe vượt lên phía bên trái của làn đường, lấn sang chiều xe lưu thông ngược lại và bị một chiếc xe hơi đang rẽ phải từ hướng đường Hà Huy Tập sang đường Lê Thị Hồng Gấm tông trúng.

Còn nhớ, vào cuối tháng 3 vừa qua, một học sinh lớp 7 tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc khi rẽ trái tại một nút giao với Quốc lộ 26 đã bị xe cứu thương tông trực diện dẫn đến tử vong.

Hình ảnh từ camera của các hộ dân gần đó cho thấy, em học sinh đã dừng lại quan sát trước khi điều khiển xe qua đường. Vừa lúc có một chiếc xe hơi lưu thông cùng hướng rẽ, em học sinh liền chạy song song về phía bên phải của chiếc xe hơi này. Đến giữa đường, người tài xế lái xe hơi phát hiện xe cứu thương đang lao nhanh đến bèn dừng lại nhường đường. Còn em học sinh thì bị chiếc xe hơi che khuất tầm quan sát nên đã không dừng lại mà tiếp tục di chuyển vượt lên phía trước nên đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm.

Phần thi tiểu phẩm của học sinh tại chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học tỉnh Đắk Lắk năm học 2023 - 2024. Ảnh: Huyền Diệu

Trong guồng quay tất bật của đời sống, phụ huynh đang ngày một bận rộn hơn. Để cân đối thời gian đưa đón con mỗi ngày từ việc học chính, học thêm đến cả các lớp năng khiếu, kỹ năng..., thực sự là một bài toán khó đối với không ít gia đình. Chính vì thế, khi cảm thấy con "đủ lớn", phụ huynh sẽ cân nhắc đến việc trang bị phương tiện cho con tự đến trường và xe đạp điện là một giải pháp phổ biến.

Mặc dù cũng là loại phương tiện có gắn động cơ, nhưng xe đạp điện vẫn chưa quy định về độ tuổi tối thiểu của người điều khiển. Chính vì thế, nhiều phụ huynh vẫn vô tư cho con điều khiển xe đạp điện, dù các cháu chỉ mới là học sinh cấp I, cấp II.

Mùa hè kết thúc và chuẩn bị bước vào năm học mới là thời điểm nhiều phụ huynh thường xem xét đến việc trang bị xe đạp điện cho con, xem đây như là một phần thưởng cho thành tích học tập của một năm học, nó cũng đáp ứng sở thích của rất nhiều con trẻ khi có thể được tự đi đến trường.

Tuy nhiên, việc trang bị kỹ năng tham gia giao thông đối với trẻ em lại chưa được nhiều gia đình xem trọng. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, tạt đầu phương tiện khác, thiếu quan sát khi lưu thông... diễn ra khá phổ biến.

Tuổi nhỏ, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng khiến các em không xử lý kịp thời khi gặp những tình huống bất ngờ trên đường, đưa bản thân và những người tham gia giao thông khác vào tình thế nguy hiểm. Chưa kể đến việc nhiều em còn tự ý “độ chế” xe đạp điện làm tăng tốc độ tối đa của phương tiện lên đến 40 – 50 km/h, tương đương với tốc độ tối đa của một chiếc xe máy dung tích xilanh 50 cm3.

Phần thi vẽ tranh chủ đề an toàn giao thông của học sinh tại chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học tỉnh Đắk Lắk năm học 2023 - 2024. Ảnh: Huyền Diệu

Tình trạng mất an toàn giao thông khi học sinh điều khiển xe đạp điện đang ở mức đáng báo động với nhiều vụ tai nạn thương tâm. Để bảo vệ con em mình, cha mẹ cần cân nhắc thật kỹ trước khi giao phương tiện cho con tự điều khiển. Chỉ cho con trẻ tự điều khiển xe đạp điện khi chắc chắn rằng con đã được trang bị tốt về kỹ năng, có đủ thể lực, có hiểu biết nhất định về Luật Giao thông đường bộ và đã có thời gian làm quen nhất định với phương tiện sẽ điều khiển. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình các con sử dụng phương tiện, cha mẹ cũng phải thường xuyên giám sát, nhắc nhở để bảo đảm an toàn cho trẻ và những người khác khi tham gia giao thông.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.