Chuyện tác nghiệp từ biên ải tới trùng dương…
Chủ quyền quốc gia gắn liền với biên giới, biển đảo. Những năm gần đây, chủ quyền biên giới quốc gia thực sự là mối quan tâm lớn của nhân dân, là đề tài được báo chí đầu tư, chăm chút. Là một phóng viên có một số bài viết về vấn đề biên giới, biển đảo được bạn đọc quan tâm trong thời gian qua, tôi xin kể lại đây một vài câu chuyện nhỏ từ thực tế tác nghiệp cụ thể.
Tác nghiệp ở biên giới…
Một trong những kinh nghiệm quý giá khi tác nghiệp tại biên giới chính là luôn nhờ vào sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng. Bởi biên giới là khu vực đặc thù, từ phong tục tập quán của bà con đến những bí ẩn về an ninh địa bàn, nếu không dựa vào bộ đội biên phòng sẽ không thể thuận lợi tác nghiệp.
Tháng 3/2014, chương trình “Tháng Ba biên giới” được triển khai ở tỉnh Điện Biên, trong đó có địa bàn xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, một xã khó khăn và khá phức tạp về vấn đề tôn giáo.
Trong chương trình có hoạt động khám chữa bệnh và phát thuốc cho nhân dân các xã ở khu vực này. Phòng khám đa khoa trung tâm khu vực Nậm Pồ và trụ sở UBND xã là hai địa điểm sát kề nhau. Khu vực trung tâm y tế có sân bãi rộng hơn, phương tiện phục vụ hoạt động khám chữa bệnh tiện lợi hơn, tuy nhiên khi đoàn vào, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ đã cho anh em trong xã căng lều bạt ở sân UBND xã; các thành viên trong đoàn tiền trạm, có cả đại diện Báo Tuổi Trẻ, Tỉnh Đoàn, Hội Thầy thuốc trẻ đều thắc mắc là tại sao không chọn địa điểm ở trung tâm y tế gần bên mà lại chọn sân bãi UBND xã. Các đồng chí lãnh đạo xã có vẻ lúng túng không biết giải thích thế nào, chỉ nói: Các anh ở Đồn Biên phòng Nà Hỳ đề nghị chọn địa điểm này.
Cuộc tranh luận về địa điểm hơi căng, thì lúc đó, tôi, với tư cách là thành viên của Báo Tuổi Trẻ theo đoàn tiền trạm nói luôn: “Nếu đây là địa bàn đồng bằng, chắc chúng ta sẽ chọn địa điểm là trung tâm y tế, nhưng đây là địa bàn biên giới, mà biên giới, như các anh biết, không chỉ thuận lợi theo cách suy luận của chúng ta, thuận lợi ở biên giới phải theo cách suy luận của bộ đội biên phòng. Ở địa bàn biên giới, các anh biên phòng chỉ ở đâu chúng ta nên làm ở đó, bởi có những lý do về chủ quyền an ninh biên giới mà chúng ta không thể biết hết, cũng vì những lý do đặc thù các anh em cũng không thể giải thích cụ thể được, nên cách tốt nhất là chấp hành theo vị trí anh em biên phòng đề nghị”.
Lời giải thích của tôi đã được mọi người hiểu ra và buổi khám bệnh cho bà con vẫn tổ chức ở sân ủy ban xã. Tối đó, trong bữa cơm, Thiếu tá Phương Công Quý, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nà Hỳ cầm ly đến chỗ tôi và nói: “Chiều nay nghe anh nói, tôi nghĩ chắc anh đi biên giới nhiều lắm!”. Tôi cũng chỉ nói rằng đó là kinh nghiệm cho bất cứ ai, không riêng gì nhà báo khi đi công tác biên giới!
Cây cầu Sam Lang cũ. |
Câu chuyện không dừng ở đó, hôm sau khi vào Sam Lang, chính anh Quý đã nói với cô giáo Tòng Thị Minh, người quay clip cô giáo chui túi ni lông qua suối rằng nên đưa cái clip ấy cho anh em Báo Tuổi Trẻ. Cô Minh bảo: “Anh Quý là đồn trưởng biên phòng, nói vậy là bọn em tin các anh ngay”, còn Thiếu tá Phương Công Quý giải thích: “Các anh hiểu về biên giới như thế, chúng tôi nghĩ có clip ấy trong tay các anh sẽ biết cách hỗ trợ bà con trên này”. Và hiệu quả câu chuyện ấy thì chắc nhiều người đã biết, sau khi clip được đăng tải, bà con Sam Lang không chỉ có ngôi trường mà có thêm cây cầu và con đường. (Loạt bài về các cô giáo chui túi nilon qua suối ấy đã đạt giải A Giải Báo chí quốc gia năm 2014).
Cây cầu Sam Lang hiện nay. |
Và nơi biển đảo
Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, để viết về biển đảo, trước hết phóng viên cần được trang bị kiến thức cơ bản về biển đảo Việt Nam, hiểu được những khái niệm cơ bản như đường cơ sở, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, vùng biển quốc tế. Thực tế cho thấy hiện vẫn nhiều phóng viên chưa phân biệt được các khái niệm này, nhiều đồng nghiệp vẫn cho rằng Trường Sa và DK1 cũng như nhau, và theo phân tích của các cán bộ, chiến sĩ hải quân, sự nhầm lẫn này vô cùng tai hại trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Tác nghiệp ở biển đảo, có lẽ yếu tố số một của phóng viên là chịu được sóng gió, dù phóng viên có khả năng viết lách đến đâu mà cứ lên tàu lại say sóng thì coi như… thua. Các đảo - nhất là quần đảo Trường Sa thường diện tích nhỏ, nếu chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” thì câu chuyện rất dễ lặp lại vì ngần ấy con người, ngần ấy nhân vật, nếu đào sâu đến mấy cũng dễ trùng lắp, vì thế khả năng quan sát là một kỹ năng cần thiết để tác nghiệp tốt. Trong chuyến ra Trường Sa năm 2009, khi lên đảo Trường Sa Đông, phóng viên nào cũng thấy ngay ba ngôi mộ liệt sĩ ngay thềm đảo, tuy nhiên chịu khó quan sát sẽ thấy ba liệt sĩ có ngày sinh - ngày mất rất đặc biệt. “Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi, sinh ngày 15/4/1975, hy sinh 14/4/2001, quê quán Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa”. Một dòng chữ như bao dòng chữ vẫn thường khắc trên bia, nhưng tôi ngờ ngợ có điều gì đó lạ lắm. Đọc lại bia lần nữa, và phát hiện ra liệt sĩ Thi đã ngã xuống đúng vào đêm trước sinh nhật của anh! Hay liệt sĩ Vương Viết Mão, quê ở Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An. Cũng sinh năm 1975, ngày liệt sĩ Mão hy sinh cũng là một ngày đặc biệt: 17/1/2004, nhằm 26 Tết Quý Mùi! Nghĩa là khi đất liền đang rộn ràng niềm vui đón xuân, những gia đình náo nức dịp sum vầy đoàn tụ, thì ở đảo xa này một người lính trẻ đã ngã xuống ngay trước thềm xuân. Hay liệt sĩ Quách Hoàng Lâm, sinh tháng 9/1984, ở phường 16, quận 11, TP. Hồ Chí Minh; hy sinh tháng 8/2006 khi chưa tròn 22 tuổi…
Ba nấm mộ liệt sĩ ở Trường Sa. |
Thực hiện đề tài về quy tập hài cốt các liệt sĩ trong con tàu HQ604, tôi đã mất thời gian khá dài, từ năm 2009 đến 2013, không chỉ ra đảo Cô Lin mà còn ra Lý Sơn để gặp người thợ lặn tử nạn khi lặn tìm hài cốt, đến Trung tâm Pháp y để tìm hiểu quá trình xét nghiệm ADN số hài cốt mang về, vào tận Ninh Chữ (Phan Rang) để “đón lõng” con tàu Thành Công 07 - con tàu lặn phế liệu với nhiều thợ đã từng lặn xuống lòng con tàu đắm HQ604, rồi về Lữ 125 (Đoàn tàu không số) - nơi xuất phát của tàu HQ604, cùng với đó đến các tỉnh thành có các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch CQ88. Đôi khi mất đến 5 năm chỉ để có một bài báo tạm gọi là chi tiết về cuộc tìm kiếm liệt sĩ dưới lòng biển...
Loạt hồ sơ “DK1 - 20 năm giữ thềm lục địa” (viết cùng nhà báo Bùi Thanh) cũng là một dấu ấn trong việc tác nghiệp ở biển đảo, cảm động nhất là chính bạn đọc đã nói được những điều chúng tôi chưa nói hết: “Tôi cảm thấy xao động thật sự khi đọc từng dòng trong loạt bài “DK1 - 20 năm giữ thềm lục địa”. Tôi và các bạn tôi không còn trẻ lắm. 20 năm chúng tôi yêu đương, 20 năm xây dựng hạnh phúc gia đình, 20 năm kiếm tiền và xây được cho mình một ngôi nhà khang trang, 20 năm học hành và thành đạt công danh... Trong khi đó, anh em hải quân của chúng ta đã dành trọn khoảng đời trai trẻ đó cho biển cả quê hương. Điều đó làm tôi giật mình nhìn lại bản thân khi đầu óc bao nhiêu năm nay cứ luẩn quẩn với bài toán hơn thiệt mỗi ngày, với những chỉ số chứng khoán và số tiền kiếm được... Hãy làm một cái gì đó cho những người lính DK1. Chúng tôi sẽ ủng hộ hết lòng” (bạn đọc Trần Văn Trung, quận 3, TP. Hồ Chí Minh).
Thật ra, kinh nghiệm chỉ là một khái niệm tương đối, cơ duyên là một điều quan trọng và cơ duyên chỉ đến với nhà báo khi mà anh thực sự hết lòng, thành tâm và yêu đến tận cùng Tổ quốc mình. Có tình yêu ấy, chắc chắn những bài báo của anh sẽ đủ sức lay động và tạo thêm cơ duyên!
Lê Đức Dục
Ý kiến bạn đọc