Thay đổi nhận thức từ một lớp tập huấn
Lần đầu tiên, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn thông tin tuyên truyền về công tác tôn giáo năm 2022 cho hơn 100 học viên của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Tất cả học viên tham dự lớp tập huấn, trực tiếp công tác trong lĩnh vực tôn giáo đều chung nhận định lớp học hết sức ý nghĩa, hữu ích, bổ sung những kiến thức cơ bản, cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở lĩnh vực đặc thù này.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn. Ảnh: Đăng Triều
Thực tế, như chia sẻ thẳng thắn trong các buổi thảo luận, trao đổi của học viên, bản thân họ dù được phân công phụ trách công tác tôn giáo song vẫn chưa hiểu rõ, phân biệt chưa đầy đủ, chính xác về những khái niệm, danh xưng, tên gọi riêng của từng tôn giáo, chẳng hạn như linh mục, tu sĩ nam nữ, giám mục, giám mục phụ tá… (đối với đạo Công giáo); đại đức, thượng tọa, hòa thượng…(với đạo Phật) hoặc giáo hữu, phối sư, đầu sư… (đạo Cao đài).
Đặc biệt là sẽ tránh được những phát ngôn, so sánh không nên giữa các tôn giáo, kiểu như “đây là tôn giáo lớn” gây cảm giác khó chịu cho người đứng đầu tôn giáo đang được tiếp xúc. Cần nhấn mạnh rằng, theo quan điểm rõ ràng, nhất quán của Đảng, Nhà nước, mọi tôn giáo khi đã được thừa nhận thì đều bình đẳng như nhau trước pháp luật.
Vì vậy chỉ có tôn giáo có đông tín đồ hoặc tôn giáo có tín đồ chiếm tỷ lệ thấp so với dân số của địa phương thôi chứ không có tôn giáo nào là lớn hay nhỏ, chính hay phụ. Nếu nhầm lẫn những kiến thức cơ bản này sẽ ảnh hưởng đến công tác vận động, tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc - một trong những chức năng, nhiệm vụ then chốt của tổ chức Mặt trận.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo. Tính đến nay, Nhà nước đã công nhận, cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo. Cả nước có gần 27 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm gần 27% dân số cả nước. Các tổ chức tôn giáo ngày càng hòa nhập, tham gia tích cực, nhiệt tình vào các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận phát động, cùng đoàn kết, chung sức xây dựng phát triển kinh tế xã hội, xung kích trên mặt trận an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, bảo vệ môi trường.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng, xây dựng đoàn kết các dân tộc, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định đây là đường lối chiến lược để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó tổ chức Mặt trận với vai trò là “cầu nối”, tạo sự gắn kết, gần gũi giữa các tôn giáo với chính quyền địa phương; có trách nhiệm tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo phát huy sức mạnh đại đoàn kết, huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước. Chính vì thế, khi mà những cán bộ Mặt trận, công tác trong lĩnh vực này, thông qua lớp tập huấn được trang bị những kiến thức cơ bản, nắm vững chính sách tôn giáo, am hiểu từng tôn giáo sẽ có phương pháp vận động, cách tiếp cận, tuyên truyền, vận động phù hợp, phục vụ đắc lực cho quá trình công tác, nâng cao hiệu quả của công tác củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tại địa phương.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc