Multimedia Đọc Báo in

Hành trình về thế giới A Tâu xa thẳm

09:11, 26/10/2022

Men theo bờ sông Ba lững lờ trôi cuối miền Kông Chro, tôi tìm về vùng đất phía tây tỉnh Gia Lai, nơi “còn đậm chất Bahnar nhất trong các vùng Bahnar” như lời nhiều nhà nghiên cứu văn hóa.

Quả vậy, chỉ cách trung tâm thị trấn Kông Chro chừng bốn cây số mà những ngôi làng người Bahnar dòng Bờ Nơm như Plei Yơng, Plei Pyang có “sức đề kháng” mãnh liệt với cơn lốc đô thị hóa, làng giữ khá nguyên vẹn sắc thái cổ truyền. Trong đó, có những nghĩa địa nhà mồ và những tập tục tiễn đưa linh hồn chứa đầy bí ẩn mà tôi đang kể…

Khi đến với Kông Chro rồi, tôi cứ như bị thôi thúc ước muốn được mãi mãi làm người lữ hành say mê với đa dạng sắc màu thiểu số. Tôi muốn được làm khách trong những ngôi nhà sàn của cư dân tộc người nói tiếng Môn - Khơme nép mình an nhiên trông về hướng nhà rông với bộ sườn nhà chuốt cong như cặp ngà voi, dáng thấp và dài đặc trưng giữa buôn. Tôi cũng muốn được cởi mở những câu chuyện không dứt với những người đàn ông, đàn bà Bahnar hiền lành mà bặt thiệp ngẫu nhiên gặp trên đường, lúc lân la bên khung dệt hay sà vào bữa cơm rau rừng, cá suối…

Và đặc biệt lần này, tôi đã “lạc vào rừng ma” của làng Plei Pyang và làng Plei Yơng như là một cách trải nghiệm và cảm nhận rõ hơn cái nghĩa lý “chết là hết” của hành trình từ cõi sống đến cõi A Tâu (linh hồn) của đồng bào Bahnar, tộc người còn lưu giữ nhiều ký ức văn hóa vô giá giữa miền đại ngàn cao nguyên thăm thẳm.

Khu nhà mồ của Plei Pyang.

Giữa trưa nắng gắt, tôi đứng bên này bờ con sông Ba đang trôi mà người Bahnar vùng Kông Chro này gọi là dòng Đắk Kroong, nhìn về khu nhà mồ của Plei Pyang lấp lóa trong một cánh rừng khộp lúp xúp. Cậu thanh niên Đinh Thương chạy xe máy qua, tôi ngoắt lại hỏi chuyện: “Em có người thân nào được táng trong khu nhà mồ đó không?”, “Có chứ!”, “Là ai?”, “Mới nhất là bố em, nhưng mà làm lễ bỏ mả rồi mà!”. “Vậy sau lễ bỏ mả, em có ra thăm mộ bố lần nào không?”, “Bỏ rồi thôi mà! Bố em mất năm 2010, làm bỏ mả năm 2013, gần mười năm rồi mẹ con em không quay lại đó”. Tôi giả hỏi: “Vậy bây giờ em có đi cùng anh ra thăm mộ bố hay nói tên bố để anh chuyển lời thăm viếng của em?”. Đến lúc này thì Đinh Thương, chàng trai gần ba mươi tuổi mạnh khỏe, đẹp trai bỗng trố mắt lên và nổ máy xe phóng đi, chỉ kịp chào tôi lí nhí. Tôi ngầm hiểu là cậu chàng sợ ma đuổi theo hay có thể là cậu nghĩ là tôi không biết gì về phong tục của người Bahnar. Thực ra, từ lâu tôi đã không lạ lùng gì và từng tham dự nhiều lần nghi lễ Mớtbơxát (lễ bỏ mả) ở tộc người Bahnar của Thương, cũng như các tộc người bản địa anh em khác trên miền đất Tây Nguyên đầy bí ẩn này. 

Tôi mỉm cười nhìn theo bóng Đinh Thương đang mờ xa dần rồi men theo lối mòn nhỏ vào rừng, thận trọng từng bước chân đến khu nhà mồ bên triền sông Ba, nơi cách khá xa làng Plei Pyang. Nhìn từ xa, khu nhà mồ thấp thoáng trông không khác một ngôi làng đa sắc. Cũng những mái nhà bốn mái lợp tôn hay lợp lá tranh nho nhỏ, những cây nêu K’lao (cây nêu làm riêng cho nhà mồ) sặc sỡ, những bức tượng gỗ trầm mặc. Chỉ cách vài trăm bước chân, tôi đã trải nghiệm từ không gian của sự sống đến không gian u uẩn, phong nhiêu của thế giới linh hồn. Tôi được cảm nhận phần nào vòng đời của một con người Bahnar từ khi cất tiếng khóc chào đời, được một người phụ nữ quyền lực trong làng thổi hơi thở vào tai để trao linh hồn trong lễ thổi tai đến cuộc ra đi vĩnh viễn trong lễ bỏ mả, trả cả phần hồn lẫn thân xác về với rừng xanh ở miền quên lãng...

* * *

Người Kinh thường nói: “Chết là hết!”. Ồ, nhưng mà có phải thật vậy đâu nhỉ, tôi nghĩ, đó chỉ là một cách nói mang ý nghĩa rũ bỏ khi tinh thần mệt mỏi. Chết là hết mà sao người còn sống cứ mãi tưởng nhớ, thương tiếc người thân đã mất; trên lời nói là mong người chết siêu thoát nhưng cứ tìm cách níu kéo mãi mãi. Người Kinh vẫn dựng nhà thờ tổ tiên, vẫn xây lăng to, mả đẹp; vẫn cúng viếng, giỗ tết, nhang khói thường xuyên. Vậy có nghĩa là người đã chết mà vẫn cứ tồn tại, vương vấn, luyến lưu, luôn hướng về cháu con hưởng lễ cúng kiếng và linh thiêng phù hộ độ trì. Chết mà không bao giờ hết, cả hồn người đi và lòng người ở lại. Còn người Bahnar, Kơ Ho cũng nói câu “chết là hết” theo ngôn ngữ của họ là “cău chớt la jớt”; người Chu Ru, Êđê, M’nông, J’rai… trên miền Tây Nguyên cũng nói như vậy. Nhưng khác với người Kinh là từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa đại ngàn đã nghĩ và làm đúng như lời họ nói. Trong thế giới sinh tồn Tây Nguyên, chết là hết thật sự, là mất hẳn, tiêu tan hẳn. Người chết được chôn cất tử tế, được chia của mang đi như khi họ từng sống. Chỉ có khác là sau nghi lễ bỏ mả là giữa người sống và người chết có một cuộc chia tay vĩnh viễn, chia tay không hề để lại chút gì vương vấn. Người chết dù có là ai trên thế gian này thì Mớtbơxát đã mang thể phách họ đi và trao gửi cho mênh mông đại ngàn, hoàn toàn mất tăm mất tích…

Nhà mồ của người Bahnar ở Plei Pyang.

Anh Đinh Văn Hnok, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Kông Chro, một người con của tộc người Bahnar ở làng Plei Yơng, nói với tôi rằng: “Khi một người Bahnar chết, người ấy sẽ được chôn trong một ngôi mộ tạm. Trong quan niệm của đồng bào mình là người chết ấy chưa thực sự đã rời dương gian. Hằng ngày, người thân trong gia đình vẫn mang cơm nước, điếu hút thuốc, bánh trái và cả rượu ra mộ để “nuôi” người chết như đối với một người còn sống, còn tham gia mọi việc. Họ vẫn ngồi bên mộ trò chuyện thân mật với người đã mất, họ tâm sự những gì mới xảy ra trong nhà, trong buôn như là người chết đang là sống vậy”. Vẫn theo lời Hnok, cũng trong khoảng thời gian đó, người ta thiết kế và làm một ngôi nhà mồ làm sao cho thật đẹp nhất theo điều kiện kinh tế của gia đình, tạc những bức tượng gỗ nhà mồ theo suy tưởng, lựa theo ý của “ma” và chuẩn bị mọi công việc cần thiết cho lễ bỏ mả, thường diễn ra vào dịp Tết “đậy nắp bồ lúa”, có nơi gọi là Ning Nông, có nơi gọi là Nhu Lirbong. Lễ bỏ mả là nghi lễ và cũng là lễ hội cực kỳ quan trọng trong chuỗi nghi lễ vòng đời, không chỉ gia đình, họ hàng mà cả buôn làng, cả những làng kế bên cũng kéo đến tham gia. Cái “nghĩa tử là nghĩa tận” đến lúc này mới được thể hiện, vì đây là cuộc tiễn đưa mãi mãi một người thân, một người đồng tộc về cõi xa xôi nghìn trùng. Người ta khóc tiếc thương, người ta nhớ, người ta kể lể những kỷ niệm về người đã khuất. Nhưng quan trọng hơn là người ta uống rượu cần ché lớn, ché nhỏ chảy tuôn như suối; người ta ăn trâu, ăn bò suốt năm ngày bốn đêm; người ta chơi chiêng, đánh trống, thổi kèn, múa xoang và hát dân ca nên không hề mệt mỏi.              

* * *

Thế đấy, chỉ sau khi làm lễ bỏ mả thì người sống mới an tâm rằng, họ đã làm tròn bổn phận với người đã khuất. Với lẽ đó, bỏ mả không buồn mà là lễ vui của người Tây Nguyên, bởi vì đây là cuộc tiễn đưa linh hồn người chết tái sinh một cuộc đời mới ở một thế giới khác. Cũng từ giờ phút này, con ma không còn được phép nhớ về cõi sống, không còn lang thang lối về buôn làng, vĩnh viễn quên đường đi lên bảy bậc cầu thang nhà mình. Con ma hoàn toàn về với rừng xanh, núi đỏ, nơi từ đó bào thai hoài sinh cho họ làm người một quãng ngắn trong cõi miên thường. Dù tiếc nuối nhưng ma phải ra đi trong một cuộc hành trình tâm linh về thế giới A Tâu xa thẳm…

Uông Thái Biểu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.