Multimedia Đọc Báo in

“Cháy nhà ra mặt chuột”

08:30, 23/02/2023

Mới đây, trên mạng xã hội phát tán một đoạn clip liên quan đến một xe khách mang biển kiểm soát (BKS) 47B-020.66 lưu thông trên Quốc lộ 14C, khi đến đoạn qua huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) vượt ẩu một xe khác, ép một người đi xe máy bị té xuống đường.

Vụ va chạm không gây ra hậu quả lớn, song hành vi này gây bức xúc trong dư luận suốt những ngày qua. Đáng chú ý là xảy ra sự việc trên nhưng đơn vị quản lý phương tiện không hề hay biết, cho đến lúc clip phát tán trên mạng xã hội mới nắm thông tin!?

1
Ảnh cắt từ clip vụ va chạm giao thông liên quan đến xe khách mang biển kiểm soát (BKS) 47B-020.66 lưu thông trên Quốc lộ 14C.

Sau khi nhận được thông tin vụ việc, Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk đã cho kiểm tra dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và phát hiện xe khách nói trên chạy sai tuyến được cấp phép. Đáng nói, không chỉ riêng thời điểm clip ghi lại xe này vi phạm hành trình tuyến mà nhiều ngày trước và sau đó xe khách nói trên cũng lưu thông trên Quốc lộ 14C, trong khi hành trình đúng là: Bến xe Krông Ana - Tỉnh lộ 2 – Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) - Quốc lộ 13 đến Bến xe Miền Đông hoặc Bến xe Miền Tây (TP. Hồ Chí Minh). Ngay sau đó, Sở Giao thông vận tải đã mời Công ty TNHH vận tải Hào Phúc (địa chỉ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) – đơn vị quản lý phương tiện nói trên đến làm việc về vụ việc liên quan đến vi phạm của xe khách BKS 47B-020.66

Tại buổi làm việc, ông Lương Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Hào Phúc xác nhận xe khách BKS 47B-020.66 là phương tiện do công ty quản lý. Tuy nhiên, việc lái xe điều khiển phương tiện sai hành trình, Ban Giám đốc Công ty không hề hay biết, chỉ đến khi đoạn clip phát tán trên mạng xã hội mới nắm được thông tin. Sau đó công ty đã họp Ban Giám đốc và tổ lái xe của đơn vị, yêu cầu lái xe và nhân viên trên xe 47B-020.66 làm tường trình nội dung vi phạm; đồng thời buộc thôi việc lái xe Võ Thanh Thoại – người điều khiển phương tiện trong đoạn clip trên.

Tài xế vi phạm quy định khi điều khiển phương tiện (chạy sai hành trình) bị xử lý là kết quả tất yếu. Song, để xảy ra sự việc trên, đơn vị quản lý không hề hay biết là lý do rất khó có thể chấp nhận. Bởi, theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ Giao thông vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải buộc phải thành lập và duy trì hoạt động bộ phận theo dõi an toàn giao thông (ATGT). Cụ thể, Điều 4 của Thông tư nêu rõ: Trước khi giao nhiệm vụ vận chuyển mới cho người lái xe, bộ phận quản lý điều kiện ATGT tại các đơn vị vận tải bằng xe ô tô theo tuyến cố định, taxi, xe buýt, công-ten-nơ hoặc cán bộ được phân công theo dõi ATGT tại đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng hàng hóa phải thực hiện các nhiệm vụ: hằng ngày phải tổng hợp, phân tích các dữ liệu về hoạt động của từng phương tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thông qua thiết bị giám sát hành trình. Qua các biện pháp quản lý khác của đơn vị để chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm. Quản lý, theo dõi các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn các hành vi vi phạm; cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền những thông tin bắt buộc của từng xe ô tô khi có yêu cầu.

Với quy định này, đơn vị quản lý phương tiện vi phạm nói trên là Công ty TNHH vận tải Hào Phúc đã không thực hiện việc duy trì bộ phận theo dõi ATGT, để tài xế “qua mặt” và có hành vi vi phạm trong thời gian dài. Nếu có sự giám sát chặt chẽ, sự việc đó rất khó xảy ra, bởi chỉ cần theo dõi qua thiết bị giám sát hành trình sẽ thấy rõ việc tài xế vi phạm và kịp thời chấn chỉnh.

Trên thực tế, việc doanh nghiệp vận tải “coi thường” quy định về duy trì hoạt động bộ phận theo dõi các điều kiện ATGT không phải là ít gặp. Chỉ khi người dân, báo chí phản ánh, các chủ doanh nghiệp mới nhắc nhở, chấn chỉnh, hoặc có biện pháp xử lý đối với lái xe vi phạm. Việc thiếu giám sát, nhắc nhở là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không ít lái xe của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thường xuyên vi phạm các lỗi phổ biến như: dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, chạy sai hành trình, vượt ẩu… là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Thậm chí một số tài xế còn có thái độ giao tiếp, ứng xử chưa đúng mực đối với hành khách, gây bức xúc cho người đi xe.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.