Bắt đầu từ thay đổi nhận thức
Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên cả ba trụ cột (chính phủ số, kinh tế số và xã hội số). Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước thì Đắk Lắk vẫn chỉ ở mức trung bình.
Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN PHÚ TIẾN, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số - Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Nguyễn Phú Tiến. |
♦ Thưa ông, sau hơn 2 năm tỉnh Đắk Lắk thực hiện chuyển đổi số (CĐS), ông đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện cũng như kết quả đạt được của địa phương?
Đắk Lắk là một trong những tỉnh rất quyết liệt trong thực hiện chương trình CĐS quốc gia. Các văn bản, kế hoạch của tỉnh đã tập trung triển khai những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo định hướng chung của quốc gia. Qua quá trình triển khai, các chỉ số chung của tỉnh trên cả ba trụ cột đều có sự tăng trưởng. Điều này thể hiện rõ trong việc thay đổi chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước; kinh tế số từng bước có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh; công nghệ số ngày càng phổ biến, rõ nét và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội; người dân bắt đầu tiếp cận các dịch vụ số về y tế, giáo dục và các nội dung khác.
Năm 2023 với chủ đề năm Dữ liệu số, Đắk Lắk đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu chung và quyết tâm thực hiện. Một số lĩnh vực bắt đầu có dữ liệu và đã ứng dụng trong hoạt động như trong dịch vụ công trực tuyến, y tế, giáo dục… Ví dụ như trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, người dân đỡ phải sử dụng hồ sơ giấy, bản thân cán bộ công chức đỡ nhập dữ liệu nhiều lần trên các phần mềm khác nhau. Đặc biệt, bản thân người dân muốn sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi các cơ quan nhà nước bắt đầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau. Đó chính là gốc rễ của CĐS.
♦ Đến cuối năm 2022, mặc dù chỉ số CĐS (DTI) của Đắk Lắk có tăng so với năm 2021 nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Để cải thiện chỉ số này, theo ông cần chú trọng điều gì?
Theo đánh giá của DTI năm 2022, các chỉ số của Đắk Lắk đều có tăng so với năm 2021 và trên giá trị trung bình, nhưng nếu xét về vị trí CĐS thì chỉ xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố, giảm 11 bậc so với năm 2021. Để nâng cao mức độ CĐS, trong thời gian tới, đối với những tỉnh là nơi không tập trung phát triển công nghệ như Đắk Lắk thì việc phát triển kinh tế số cần tập trung vào những ngành nghề truyền thống. Ví dụ như là về nông nghiệp, du lịch, nếu tất cả những ngành nghề truyền thống trước đây sử dụng công nghệ cũ, phương pháp truyền thống, thủ công thì bây giờ mình làm bằng công nghệ số. Đơn cử như lĩnh vực nông nghiệp là lợi thế của Đắk Lắk thì địa phương cần tập trung vào ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp thông minh. Về xã hội số, tận dụng cơ hội thúc đẩy CĐS trong khám chữa bệnh, dạy và học trực tuyến…
Tuy nhiên, xét cho cùng, bản chất của CĐS ở đâu thì vấn đề tiên quyết cũng phải là nhận thức. Nhận thức đầu tiên là sự thay đổi của lãnh đạo các cấp, họ phải là đối tượng tiên phong, vào cuộc và phải quyết tâm thực hiện CĐS. Khi người đứng đầu thay đổi nhận thức thì cơ chế, chiến lược, chính sách mới thay đổi và được thực hiện tốt hơn.
Lãnh đạo tỉnh và ông Nguyễn Phú Tiến (bìa phải) tìm hiểu các ứng dụng của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số. |
♦ Nguồn nhân lực đang là bài toán khó trong quá trình CĐS. Theo ông đâu là điểm mấu chốt để giải bài toán này?
Việc thiếu nguồn nhân lực về công nghệ thông tin đang là thực trạng chung của nhiều địa phương, nhất là đối với các lĩnh vực mới như công tác CĐS. Để giải quyết thực trạng này, thứ nhất phải xác định đúng vai trò CĐS trong các cơ quan nhà nước. Thay vì phải có bộ phận, nhân lực công nghệ để tự làm ra các phần mềm, ứng dụng mới thì các cơ quan nhà nước có thể thuê dịch vụ chuyên nghiệp, đặt hàng doanh nghiệp, còn nguồn nhân lực của đơn vị sẽ tập trung quản trị, vận hành hệ thống đó. Đối với nhân lực trong doanh nghiệp cũng tương tự như vậy, chúng ta có thể kết hợp, liên kết giữa doanh nghiệp truyền thống với doanh nghiệp công nghệ để kết nối, chia sẻ, thực hiện hỗ trợ ứng dụng công nghệ số.
Về phía cộng đồng, việc cần thiết là phải nâng cao nhận thức, kỹ năng người dân để tạo sự lan tỏa. Trong đó, việc thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng cũng là một một hình thức, sáng kiến hay trong việc thay đổi nhận thức người dân, bởi chúng ta không thể đào tạo cho hết mọi người. Nếu họ nhận thức được lợi ích, ý nghĩa của CĐS thì họ sẽ tự tìm hiểu, tự đào tạo cho mình; đồng thời sẽ phổ biến cho nhau, lan tỏa trong cộng đồng.
♦ Xin cảm ơn ông!
Thúy Hồng (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc