Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh

08:20, 02/06/2024

Đạt 64,46 điểm, Đắk Lắk xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, tăng 9 bậc so với năm 2022. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã trao đổi với ông VÕ NGỌC TUYÊN, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về nội dung này.

* Năm 2023, chỉ số PCI của Đắk Lắk đã có sự tăng bậc rõ rệt. Đặc biệt trong 10 chỉ số thành phần của PCI có đến 8 chỉ số tăng điểm. Vậy, tỉnh đã triển khai những giải pháp gì để đạt được kết quả trên, thưa ông?

Chỉ số PCI là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Đây là một trong những chỉ số được các địa phương và doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư rất quan tâm. Năm 2022, kết quả PCI của tỉnh giảm mạnh so với năm 2021 (giảm 26 bậc), xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố.

Điều này cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao.

Ông Võ Ngọc Tuyên.

Chính vì thế, năm 2023, tỉnh đặt quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Thể hiện ở việc tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời phát huy vai trò tiên phong, năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DN.

Song song với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) để tạo thuận lợi cho người dân, DN. Chú trọng nâng cao nhận thức và hành động của công chức, viên chức, người lao động trong từng cơ quan, đơn vị về thực hiện chủ trương “Chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân và DN”.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tiếp tục thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức. Các hoạt động gặp gỡ, đối thoại, hỗ trợ DN… cũng được tăng cường triển khai.

* Hiện nay, các tỉnh, thành phố đều nỗ lực CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là quyết tâm nâng hạng PCI. Theo ông, trong "cuộc đua" chung đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ đối mặt với những thách thức nào?

Từ kết quả PCI năm 2023 của Đắk Lắk có thể thấy những điểm sáng tích cực trong môi trường kinh doanh của tỉnh, đó là chi phí không chính thức dần được cải thiện; thủ tục gia nhập thị trường, nhất là cấp phép kinh doanh có điều kiện thuận lợi hơn; cải cách TTHC đạt được nhiều kết quả tích cực, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến dần đi vào thực chất và được người dân, DN đón nhận; việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh của DN tại tỉnh cũng được cải thiện.

Song, kết quả PCI 2023 của tỉnh cũng đặt ra những vấn đề cần lưu ý đó là cảm nhận của DN về tinh thần năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh tiếp tục giảm sút; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh không ổn định cũng là một cản trở để thu hút DN đầu tư tại Đắk Lắk.

Hầu hết điểm số các chỉ số thành phần trong PCI 2023 của tỉnh đều ở mức thấp, chưa có sự cải thiện hoặc cải thiện không đáng kể so với các tỉnh thành khác. Ngoài ra, vẫn còn 3 chỉ số thành phần có điểm số ở mức thấp, dưới 6 điểm là: đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch.

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh. (Trong ảnh: Một doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).

Đây sẽ là những thách thức trong quá trình  CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh để nâng hạng PCI của tỉnh. Thêm vào đó là hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN đang gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng DN giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ cũng là một thách thức không nhỏ trong thời gian tới.

* Thưa ông, để phấn đấu đưa Chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ hạng từ mức trung bình trở lên và các chỉ số thành phần PCI đạt điểm số trên 6 theo Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh sẽ có giải pháp chủ yếu nào?

Để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh và triển khai thực chất hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, giải pháp hàng đầu là xốc lại tinh thần năng động, tiên phong của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DN; đảm bảo tính ổn định, nhất quán của việc xây dựng thực thi chính sách, pháp luật, đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi của đội ngũ cán bộ các cấp.

Bên cạnh đó là triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn chủ yếu của DN; nỗ lực cải cách TTHC, giảm gánh nặng chi phí cho DN; thực hiện công khai minh bạch thông tin cho các DN, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng; chú trọng đào tạo lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cao...

* Xin cảm ơn ông!

Khả Lê (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.