Multimedia Đọc Báo in

Thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng

08:38, 11/09/2024

Quy định số 144-QĐ/TW với 5 điều vừa toàn diện, vừa cụ thể, dễ nhớ, dễ thực hiện và cũng dễ kiểm tra, giám sát.

Quy định này chính là văn kiện quan trọng thể hiện tư duy đổi mới, kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức cách mạng, giữ gìn sự liêm chính của cán bộ, đảng viên; là cơ sở cho đảng viên soi chiếu, rèn luyện, xây dựng văn hóa và uy tín của tổ chức đảng.

♦ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Đình Hoàng: Giữ gìn danh dự, tự trọng của cán bộ, đảng viên

Chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong Quy định 144 là sự kế thừa các chuẩn mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy và có cập nhật những yêu cầu mới cho phù hợp, đồng thời đưa ra yêu cầu về việc cán bộ, đảng viên phải dũng cảm “thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”, không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Chuẩn mực này cũng đã nhấn mạnh các yêu cầu về lòng tự trọng và danh dự, đỏi hỏi người cán bộ, đảng viên luôn phải tự soi xét mình, giữ gìn danh dự và lòng tự trọng trong mọi việc làm, hành động, hoàn cảnh, vị trí công tác và cuộc sống hằng ngày.

Triển khai Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã kịp thời lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm.

Trên cơ sở đó, cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên tự giác học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi”, “tự sửa” theo tiêu chí các chuẩn mực để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, giữ gìn danh dự, tự trọng của cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, lãnh đạo tham mưu rà soát, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ cho cán bộ, đảng viên; cụ thể hóa tiêu chí của các chuẩn mực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình của ngành, nghề, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bảo đảm thống nhất với các chuẩn mực được nêu trong Quy định 144.

♦ Trung tá Hoàng Văn Băng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Yok M’Bre: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân

Là chiến sĩ mang quân hàm xanh, chuẩn mực về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân luôn được tôi rèn và đặt lên hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Dù bất kỳ khó khăn nào, bộ đội biên phòng nói chung và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yok M’Bre luôn vững vàng tay súng bảo vệ bình yên Tổ quốc. Chiến sĩ quân hàm xanh duy trì, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đường biên, cột mốc; xử lý các vi phạm trên biên giới đúng quy định của pháp luật; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Song song với bảo vệ vững chắc biên cương, cán bộ, chiến sĩ luôn gần gũi, tôn trọng, sát cánh cùng nhân dân. Đơn vị triển khai cho các cán bộ, chiến sĩ bám nắm địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời tham mưu, triển khai các mô hình, việc làm giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống.

Mỗi quân nhân gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, xây dựng nội bộ thật sự đoàn kết; tự giác học tập phấn đấu, nâng cao trình độ, “tự soi”, “tự sửa”, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức.

♦ Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung (huyện Ea Súp) Lê Hồng Hạnh: Rèn luyện, cống hiến, góp sức xây dựng vùng biên 

Giá trị cốt lõi từ Quy định 144 giúp mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc tinh thần, trách nhiệm, “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng hoàn thiện bản thân. Từ đó, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và khơi dậy khát vọng cống hiến.

Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, năm 2021, Ea Bung là xã biên giới đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Niềm vui ấy đến từ nhiều nguồn lực, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Đây cũng là bước tạo đà để Ea Bung tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao; góp phần thay đổi hơn nữa diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

♦ Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Đăng Anh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh: Không ngừng rèn luyện y đức, hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân 

Đối với các y bác sĩ thì việc thực hiện chuẩn mực đạo đức ngành y chính là tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng. Kể từ khi thành lập (năm 1982) đến nay, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, viên chức, người lao động của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh luôn “lấy bệnh nhân làm trung tâm”, không ngừng phát huy tinh thần trách nhiệm, rèn luyện y đức, đổi mới phong cách, thái độ ứng xử, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ người bệnh một cách tốt nhất.

Để thực hiện mục tiêu này, mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động luôn thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Từ cán bộ, lãnh đạo quản lý cho tới nhân viên, người lao động luôn ý thức tự học, trau dồi chuyên môn, y đức, tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao tay nghề; luôn có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

Chính vì vậy, bệnh viện ngày càng phát triển vững mạnh về cả chất lượng và số lượng, trở thành địa chỉ tin cậy của người dân. Chỉ số sự hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú luôn đạt trên 97%; sự hài lòng của người nhà bệnh nhân luôn đạt trên 96%; 100% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; chi bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh…

♦​​​​​​​ Kiểm sát viên Lê Thị Ngọc Lệ, Viện KSND tỉnh: Sự chân thành, thương yêu sẽ giúp nhau cùng tiến bộ 

Qua tìm hiểu Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, tôi rất tâm đắc với tiêu chí sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ vì đây là những truyền thống và bản chất tốt đẹp của dân tộc ta.

Qua đó, bản thân đã luôn giữ gìn đạo đức và lối sống trong sáng lành mạnh, không ngừng rèn luyện phấn đấu để thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành kiểm sát là “công minh, chính thực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đồng thời, chống biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ và các biểu hiện tiêu cực khác; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong gia đình, bản thân và tại cơ quan công tác; không vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Thời gian qua, tôi đã cùng Chi đoàn Viện KSND tỉnh tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị cho đoàn viên. Tiêu biểu như: sinh hoạt chuyên đề “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”; tổ chức chương trình “Bữa sáng 0 đồng” trao 2.750 suất ăn sáng miễn phí với tổng giá trị hơn 30 triệu đồng; tổ chức các hoạt động an sinh xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; các cơ sở tình thương; cùng với cán bộ, đảng viên, người lao động của Viện KSND hai cấp trong tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động của buôn kết nghĩa và những hộ chính sách, hộ nghèo, học sinh nhân các ngày lễ, tết; hỗ trợ cây, con giống cho các gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số có thêm điều kiện phát triển kinh tế... Đó là những việc làm thiết thực, thể hiện trách nhiệm yêu thương, sẻ chia của cán bộ, đảng viên.

Nhóm PV (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.